Năng lượng Việt Nam giai đoạn 2020–2025: Dấu ấn chỉ đạo và bước tiến vượt bậc
Giai đoạn 2020-2025 có nhiều khó khăn thách thức song với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, ngành năng lượng Việt Nam đã có những thành quả vượt bậc với nhiều dấu ấn.
Chủ động nhìn xa, quyết sách đúng và trúng
Giai đoạn 2020-2025, trong bối cảnh có nhiều biến động và thách thức đối với đất nước, trong đó có ngành năng lượng Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn bám sát chủ trương của Trung ương, chủ động dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo; đưa ra các quyết sách đúng và trúng để ngành năng lượng giữ vững vai trò trụ cột, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng uỷ (trước đây là Ban cán sự Đảng), lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cấp uỷ, đơn vị chức năng chủ động rà soát khung pháp lý, thúc đẩy hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực năng lượng (điện, than, dầu khí, xăng dầu...). Hàng loạt văn bản pháp luật quan trọng đã được xây dựng, sửa đổi hoặc ban hành mới như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các nghị định về năng lượng tái tạo, cơ chế khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời, điện gió; đặc biệt là việc hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch ngành quan trọng như: Quy hoạch Điện VIII và điều chỉnh; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn dài hạn, phù hợp tình hình trong nước và xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Một cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về triển khai dự án đường dây truyền tải
Một quyết sách mang tính đột phá khác là việc tách và chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thành lập doanh nghiệp mới nhằm đổi mới cơ chế vận hành thị trường điện theo hướng cạnh tranh, minh bạch và đảm bảo độc lập điều độ hệ thống điện.
Không chỉ ở cấp vĩ mô, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã sát sao tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn tại hàng loạt dự án điện lớn, từ năng lượng tái tạo đến nhiệt điện khí và thủy điện mở rộng. Các vướng mắc về pháp lý, giá điện, giải tỏa công suất đã được xử lý linh hoạt, giúp nhiều dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG, điện than, điện hạt nhân được tái khởi động, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh.
Đặc biệt, công tác tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện hiệu quả cũng được triển khai bài bản. Các chương trình hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao.
Những dấu ấn đặc biệt
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, đặc biệt là ngành điện
Cụ thể, dấu ấn trong ngành điện phải kể đến là quy mô nguồn điện tăng đột phá, Việt Nam dẫn đầu ASEAN. Theo báo cáo, đến nay, tổng công suất đặt nguồn đạt trên 86.000 MW. Đây là bước nhảy vọt ấn tượng, đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu ASEAN về tổng công suất lắp đặt điện và thứ 22 toàn cầu. Năng lượng tái tạo cũng được ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Đường dây 500kV mạch 3 là một trong những kỳ tích của ngành điện Việt Nam
Thứ hai là hạ tầng truyền tải đã có bước tiến vững chắc không chỉ bao phủ toàn quốc mà còn kết nối khu vực. Hàng loạt trạm biến áp 220–500 kV được hiện đại hóa; 100% TBA 110 kV và 80% TBA 220 kV điều khiển từ xa, góp phần giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 6,1%. Trong đó điểm sáng nhất của nhiệm kỳ là xây dựng thành công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối (519 km) với thời gian kỷ lục hơn 6 tháng. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện trong mọi tình huống, đặc biệt trong cao điểm mùa khô 2025 với mức tăng trưởng cao xấp xỉ 2 con số. Bên cạnh đó mạng lưới điện quốc gia phủ 100% xã và 99,8% hộ dân, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo được tiếp tục được mở rộng và nâng cấp.
Ngành điện cũng đã tiên phong đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào điều độ, giám sát, chăm sóc khách hàng và vận hành thị trường. Các hoạt động giao dịch được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Chỉ số tiếp cận điện năng luôn ở Top đầu ASEAN. Đồng thời phong trào sử dung năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được đẩy mạnh với hàng chục tỷ kWh.
Không chỉ với ngành điện, các ngành than, dầu khí và xăng dầu được coi là các trụ cột của nền kinh tế tiếp tục có tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử như than thương phẩm, trong giai đoạn gần 5 năm đã đạt khoảng 265 triệu tấn, than cho sản xuất điện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Trong lĩnh vực dầu khí, các mỏ tiếp tục khai thác hiệu quả và mở rộng, nộp ngân sách nhà nước ngành dầu khí đã chiếm gần 9% tổng nguồn thu quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành hạ tầng LNG đảm bảo phát triển nguồn điện khí này trong tương lai. Hay trong lĩnh vực xăng dầu, dù có nhiều biến động, song Bộ Công Thương đã phối hợp, điều hành giá bán lẻ linh hoạt, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đảm bảo nguồn cung. Tổng kho dự trữ trên 3 triệu m³, đáp ứng 20 - 25 ngày nhập khẩu. Hai nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo 70 - 75% nhu cầu tiêu dùng.
Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn
Tiếp tục cho ngành năng lượng xanh, tự chủ
Trong bối cảnh tình hình mới, Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), cùng các nghị định hướng dẫn với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, điều kiên kinh doanh; phân cấp rõ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện khí và điện hạt nhân.
Tiếp tục phát triển hạ tầng và nguồn điện hiện đại, thông minh gắn liền với chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng; đầu tư lưới điện thông minh; khuyến khích phát triển điện tích năng và các mô hình lưu trữ điện mặt trời, điện gió; phát triển các loại hình điện mới, sạch… Đồng thời, hoàn thiện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong thập kỷ tới; mở rộng nguồn nhập khẩu LNG, tăng dự trữ xăng dầu, phát triển điện hạt nhân an toàn. Đồng thời triển khai các chương trình quốc gia về tiết kiệm điện, giảm phát thải, đáp ứng cam kết Net Zero vào 2050.
Có thể khẳng định, những thành quả trong giai đoạn 2020-2025 đến từ sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Công Thương, không chỉ tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế, mà còn nâng cao vị thế quốc gia về năng lượng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.