Điện hạt nhân: Động lực tăng trưởng kinh tế xanh của châu Âu
Tăng công suất điện hạt nhân lên 150 GW có thể giúp EU tạo ra 330 tỷ Euro mỗi năm và hàng triệu việc làm, mở ra hướng đi về loại năng lượng này tại Đông Nam Á.
Từ châu Âu nhìn ra giá trị kinh tế của điện hạt nhân
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, yêu cầu giảm phát thải và duy trì tăng trưởng kinh tế, điện hạt nhân đang dần lấy lại vị thế như một trụ cột trong chiến lược năng lượng dài hạn của nhiều quốc gia.
Báo cáo mới công bố của Deloitte, theo ủy quyền của Tổ chức NuclearEurope đã cung cấp một cái nhìn định lượng rõ ràng về lợi ích kinh tế mà ngành điện hạt nhân có thể mang lại cho Liên minh châu Âu.
Điện hạt nhân giúp châu Âu gia tăng giá trị kinh tế. Ảnh minh họa
Theo đó, việc nâng công suất hạt nhân lắp đặt lên 150 GW vào năm 2050 có thể tạo ra hơn 330 tỷ Euro (khoảng 389 tỷ USD) giá trị kinh tế mỗi năm và hỗ trợ gần 1,5 triệu việc làm trên khắp châu Âu.
Con số này không chỉ đơn thuần là ước tính sản lượng kinh tế, mà còn phản ánh chuỗi giá trị sâu rộng mà hạt nhân đem lại, từ sản xuất nhiên liệu, xây dựng nhà máy, đào tạo nhân lực, cho tới dịch vụ bảo trì và xử lý chất thải. Ngay cả khi mở rộng quy mô lên 200 GW, tổng giá trị sản lượng vẫn giữ ổn định ở mức cao và số lượng việc làm tăng lên trên 1,6 triệu.
Trong hiện tại, công nghiệp điện hạt nhân đã đóng góp 251 tỷ Euro (295 tỷ USD) mỗi năm cho GDP EU, tạo ra gần 900.000 việc làm và đóng góp hơn 47 tỷ Euro (55 tỷ USD) vào ngân sách công. Đây là những con số không thể bỏ qua trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đối mặt với áp lực phục hồi sau đại dịch, lạm phát cao và đòi hỏi tái cấu trúc hệ thống năng lượng để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Theo ông Emmanuel Brutin, Tổng giám đốc Nucleareurope, những số liệu trên khẳng định điện hạt nhân là một trong số rất ít chuỗi giá trị hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng lại được đặt nền móng vững chắc ngay tại châu Âu. Điều đó có nghĩa là toàn bộ quá trình sản xuất, từ công nghệ đến nhân lực, đều có thể phát triển nội địa, tạo công ăn việc làm ổn định và không bị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu đầy rủi ro như các lĩnh vực năng lượng tái tạo phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài.
Một yếu tố then chốt khác là tính ổn định dài hạn mà điện hạt nhân đem lại. Khác với năng lượng gió hay mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, các nhà máy hạt nhân có thể vận hành liên tục 24/7, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các ngành công nghiệp cần điện liên tục.
Đặc biệt, trong bối cảnh điện khí đang bị đe dọa bởi bất ổn địa chính trị và nguồn cung LNG hạn chế, vai trò "trụ cột nền tảng" của điện hạt nhân càng được củng cố.
Bên cạnh đó, đầu tư vào điện hạt nhân cũng kéo theo một hiệu ứng lan tỏa về mặt công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các dự án nhà máy thế hệ mới, đặc biệt là lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, từ cơ khí chính xác, vật liệu chống phóng xạ, đến công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát an toàn.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần một khung chính sách nhất quán, minh bạch và mang tính cam kết dài hạn. Các công cụ như Chương trình minh họa hạt nhân (PINC) hay Khung tài chính đa niên (MFF) sẽ đóng vai trò nền tảng để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư tư nhân và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn EU.
Hướng đi chiến lược cho Đông Nam Á trong giai đoạn chuyển mình năng lượng
Từ thực tế ở châu Âu, có thể thấy rằng, điện hạt nhân không chỉ là một lựa chọn về năng lượng, mà còn là chiến lược kinh tế dài hạn. Điều này đặc biệt đáng quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á, nơi đang chứng kiến nhu cầu điện tăng cao kèm theo áp lực phải giảm phát thải carbon, song vẫn đảm bảo tăng trưởng và công bằng năng lượng.
Các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan đều đang xem xét hoặc tái khởi động chương trình điện hạt nhân trong bối cảnh năng lượng tái tạo vẫn đối mặt với các thách thức lớn như chi phí lưu trữ cao, tính bất định và thiếu lưới điện phân phối thông minh.
Trong khi đó, điện than, vốn là xương sống của nhiều quốc gia Đông Nam Á, ngày càng bị áp lực từ tài chính xanh và các ràng buộc môi trường quốc tế.
Điều đáng chú ý là với sự xuất hiện của các lò SMR, nhiều rào cản truyền thống của điện hạt nhân như chi phí đầu tư cao, thời gian xây dựng dài và yêu cầu đất đai lớn đang dần được tháo gỡ. SMR với công suất nhỏ, thiết kế linh hoạt và độ an toàn nội tại cao mở ra khả năng điện khí hóa cho cả các vùng sâu vùng xa, đảo nhỏ và khu công nghiệp tập trung.
Không chỉ có tiềm năng về kỹ thuật, điện hạt nhân cũng có thể đóng vai trò là cú hích cho nền kinh tế tri thức tại Đông Nam Á. Việc đầu tư vào công nghệ hạt nhân kéo theo nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, chuyên gia vật liệu, chuyên gia xử lý chất thải và giám sát an toàn, qua đó thúc đẩy phát triển giáo dục kỹ thuật, hợp tác khoa học quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, điện hạt nhân còn tạo cơ hội để khu vực này tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng hơn, việc xem xét phát triển điện hạt nhân trong bối cảnh Đông Nam Á đang hướng tới cộng đồng năng lượng ASEAN cũng mở ra triển vọng hợp tác khu vực sâu rộng hơn.
Một hệ thống chia sẻ điện năng xuyên biên giới (như lưới điện ASEAN) có thể tích hợp các nguồn năng lượng ổn định như điện hạt nhân cùng với năng lượng tái tạo và thủy điện, góp phần cân bằng tải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tất nhiên, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần một lộ trình phù hợp, đảm bảo yếu tố an toàn, công khai và có sự đồng thuận xã hội. Nhưng nếu được quy hoạch bài bản, điện hạt nhân có thể không chỉ là lời giải cho bài toán phát thải thấp, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế công nghệ cao và tăng cường vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ những số liệu thực tế của châu Âu, có thể thấy điện hạt nhân đang chuyển mình từ một nguồn năng lượng gây tranh cãi thành một công cụ phát triển chiến lược.
Trong thế kỷ XXI, khi thách thức khí hậu và an ninh năng lượng ngày càng đan xen, các quốc gia, đặc biệt là ở Đông Nam Á, cần một cách tiếp cận thực dụng, lâu dài và chủ động. Nếu tận dụng tốt cửa sổ công nghệ, chính sách và hợp tác quốc tế hiện nay, điện hạt nhân hoàn toàn có thể trở thành trụ cột trong hành trình phát triển bền vững của khu vực.