"Sử dụng gói tài khóa và tiền tệ đủ mạnh để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế"
Giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi trường hợp
Phát biểu về tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu năm 2020 không bị tác động bởi đại dịch Covid – 19 thì các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020 đều đạt mục tiêu đề ra.
"Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch Covid–19 hay những thể chế cần phải tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược, các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ….
"Đó là những trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn tới. Đây cũng là những lĩnh vực chúng ta cũng có dư địa để phát triển, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid–19 vừa tận dụng cơ hội để cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định.
Tái cơ cấu gắn liền với khôi phục, phát triển kinh tế
Cũng trong nội dung thảo luận tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nền kinh tế nước ta chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 nên phục hồi phát triển kinh tế hậu đại dịch là vấn đề cấp thiết. Chính vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Hiện các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên nghị viện các nước đều hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20.000 tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững", Đại biểu Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Nhận xét về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng những giải pháp và mục tiêu rất sát thực trong bối cảnh của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Theo Bộ trưởng, năm 2021 Việt Nam đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch nhưng với nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chính sách tài khoá đã hoàn thành. Mặc dù đã giảm, giãn và miễn nhiều thuế nhưng Bộ Tài chính vẫn đảm bảo thu ngân sách cuối năm tăng 1,7 %; chi ngân sách không vượt dự toán; bội chi ngân sách dư như Quốc hội đã phê chuẩn; tiết kiệm chi đầy đủ nguồn lực để chống dịch và thực hiện các gói phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính lấy ví dụ về việc thị trường chứng khoán có tiến triển tốt như những ngày vừa qua, chỉ số VNIndex lên hơn 1.400 điểm, khối lượng giao dịch lên tới 27.000 tỷ đồng/phiên và khẳng định điều này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế.
"Bộ Tài chính đang đề nghị với Chính phủ cần có giải pháp thiết kế từng gói và quản lý theo từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển, lúc đó chúng ta tăng thu được ngân sách, đồng thời, với vấn đề giảm chi ngân sách sẽ kéo giảm của bội chi xuống", Bộ trưởng Phớc cho biết và nhấn mạnh chuyển đổi số là kế hoạch dài hạn, trong tương lai, vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững.