Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào 8 dự án Luật
Hội nghị đại biểu Quốc Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến vào 8 dự án luật được cử tri, Nhân dân và ĐBQH quan tâm. Đây là các dự án Luật có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng cần được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị |
Sáng 26/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 5 từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, cho thấy việc tổ chức các Hội nghị ĐBQH chuyên trách đã trở thành hoạt động định kỳ trước mỗi kỳ họp thường lệ của Quốc hội, với sự tham gia trách nhiệm của cả ĐBQH chuyên trách và các ĐBQH không chuyên trách; qua đó, phát huy vai trò, trí tuệ của ĐBQH và khẳng định tính dân chủ, chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội.
Qua 4 Hội nghị đã được tổ chức, các vị ĐBQH đã thảo luận 25 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, với 323 lượt ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo trình Quốc hội và tạo nên kết quả ấn tượng của công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV trong nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Cụ thể: Đã hoàn thành 115/156 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ (đạt 73,7%); ban hành 32 luật và 112 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 1.042 nghị quyết của UBTVQH để thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
“Tại Hội nghị lần thứ 5 này, chúng ta tiếp tục cho ý kiến vào 8 dự án luật được cử tri, Nhân dân và ĐBQH quan tâm, vì thể chế hóa một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng cần được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng (như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6, các vị ĐBQH đã đóng góp 969 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 30 ý kiến bằng văn bản về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể của 8 dự án luật trên.
Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, khảo sát, làm việc, lấy ý kiến chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc qua nhiều bước, nhiều vòng; bám sát các nhóm chính sách lớn, các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo khi xây dựng dự án luật. Trên cơ sở đó, trong các phiên họp thường kỳ tháng 2 và tháng 3/2024, UBTVQH đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật; thống nhất chỉnh lý nhiều nội dung so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6…
Để việc thảo luận đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung phân tích, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau.
Đồng thời, các đại biểu lưu ý rà soát xem các dự thảo luật đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị hay chưa? Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp, sự thống nhất, đồng bộ trong từng dự thảo và thống nhất, đồng bộ với các luật mới được ban hành (như Luật Đất đai năm 2024) và các luật khác trong hệ thống pháp luật chưa?
Quang cảnh hội nghị |
Đề nghị các vị ĐBQH đặc biệt quan tâm đến những quy định về điều khoản áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp. Từ những quan điểm, mục tiêu, chính sách lúc đầu đặt ra, cần xem xét những chính sách dự kiến hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật đã được thể hiện đầy đủ chưa? Những đề xuất mới đã được đánh giá tác động đầy đủ chưa? Các chính sách được quy định trong dự thảo có đảm bảo tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, có “mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững” được không?
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần rà soát để không bị sơ hở, ngăn chặn được tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích của cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
“Phát huy bài học, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong quá trình xem xét, thông qua các luật, nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ và kết quả của 4 Hội nghị ĐBQH chuyên trách trước đây, tôi đề nghị các vị đại biểu tiếp tục thống nhất nguyên tắc những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản đối với một số dự án Luật để các đại biểu tập trung thảo luận. Trong 8 dự án luật lần này có những dự án có thể chế, chính sách đặc thù vượt trội khác với luật hiện hành, như Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có cơ chế đặc thù cho Thủ đô, vì đây là luật cho một đô thị đặc biệt, cần nội dung khác hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành. Làm sao để khi ban hành luật mang tính khả thi và không chồng chéo với luật khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt tinh thần xây dựng luật với những vấn đề đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận cao thì quy định trong luật. Còn với vấn đề thực sự cấp bách nhưng chưa thống nhất cao mà có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu có bước đi phù hợp, như triển khai thí điểm.
Hội nghị thảo luận, cho ý kiến đối với 8 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. |