Nhận định xu thế thiên tai, khí tượng thủy văn năm 2024
Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, năm 2023, thời tiết, khí hậu Việt Nam chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023 cũng được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam.
Năm vừa qua, mặc dù các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền nhưng các đợt mưa, lũ lớn diện rộng đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và dông lốc, gió mạnh trên biển, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện tại nước ta như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ (dưới 15 độ C) và vùng núi (dưới 13 độ C). Trong khi đó, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Hội nghị thu hút đông đảo các chuyên gia về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV
Tại hội nghị, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia đã nhận định xu thế thiên tai khí tượng, thủy văn năm 2024. Cụ thể, El Nino sẽ suy yếu và chuyển sang pha trung tính, sau đó chuyển nhanh sang La Nina trong mùa hè 2024, khoảng 80 - 85% El Nino kết thúc vào tháng 4 - 6/2024; khoảng 60 - 65% La Nina sẽ bắt đầu khoảng tháng 7 - 8/2024.
Bão và áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm (TBNN) (khoảng nửa cuối tháng 6/2024), số lượng áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng ít hơn đến xấp xỉ so với TBNN nhưng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão.
Từ nay đến tháng 6/2024, phía Bắc có tổng lượng mưa xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN, phía Nam phổ biến thấp hơn so với TBNN. Trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đối với nắng nóng, hiện tượng này tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với TBNN.
Về thủy văn, trong mùa khô năm 2024, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo có khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên; mùa lũ năm 2024 trên các lưu vực có hồ chứa lớn như sông Đà, sông Gâm - Chảy ít có khả năng xuất hiện sớm; dòng chảy trên phần lớn các lưu vực sông và hồ chứa có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm.
Với dự báo trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị, Tổng cục KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên cập nhật các bản tin nhận định dài hạn, dự báo sớm trước các đợt thiên tai để các cơ quan, chính quyền địa phương và người dân chủ động điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó từ sớm, từ xa, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam Trần Thục cho biết, các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này. Vì vậy, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm và cảnh báo tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội phục vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ; thực trạng hạn hán, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, công tác dự báo, cảnh báo và phục vụ; kết quả phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt và lũ quét phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai…