Viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ thay đổi theo chiến thuật của Nga
Xung đột Nga-Ukraine được dự đoán kéo dài 2-6 tháng nữa, trong khi Nga vừa có động thái cảnh cáo vấn đề phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trang web của Bộ Xây dựng Nga bị tin tặc tấn công
Trang web của Bộ Xây dựng, Nhà ở và Tiện ích của Nga dường như đã bị tin tặc tấn công vào đầu ngày 6/6, khi các tìm kiếm trên Internet cho trang web này dẫn các trình duyệt đến một biển báo có nội dung "Vinh quang cho Ukraine" bằng tiếng Ukraine.
Một đại diện của Bộ này cho biết, mặc dù trang web đã bị tấn công và phá hoại, dữ liệu của người dùng vẫn được bảo vệ, theo hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, nhiều công ty nhà nước và tổ chức tin tức của Nga đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng lẻ tẻ.
Nga lại tấn công tên lửa vào thủ đô Kyiv của Ukraine
Rạng sáng ngày 5/6, Nga đã bắn một loạt tên lửa vào Kyiv. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào thủ đô Ukraine sau hơn 1 tháng, phá vỡ cảm giác về cuộc sống bình thường ở đó.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 5/6 xác nhận rằng các tên lửa tầm xa, chính xác cao do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga bắn đã phá hủy những chiếc xe tăng và phương tiện bọc thép do chính phủ các nước phương Tây gửi tới Kyiv.
Trong số những chiếc xe tăng bị phá hủy ở ngoại ô Kyiv có những chiếc T-72 do các nước Đông Âu cung cấp, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Ngay sau khi cuộc không kích diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo rằng Moscow sẽ tấn công các mục tiêu mà "chúng tôi chưa tấn công" nếu phương Tây tiến hành kế hoạch gửi các hệ thống tên lửa tầm xa đến Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ có kế hoạch gửi 700 triệu USD vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm 4 hệ thống tên lửa tầm trung dẫn đường chính xác HIMARS M142, trực thăng, các tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin, các hệ thống radar, phương tiện chiến thuật, phụ tùng thay thế, v.v...
Tuy nhiên, Mỹ cho biết, sẽ mất 3 tuần để huấn luyện các lực lượng Ukraine cách sử dụng và triển khai các hệ thống tên lửa này. Washington cho biết đã nhận được sự đảm bảo từ Kyiv rằng Ukraine sẽ không sử dụng tên lửa Mỹ viện trợ để nhắm vào các địa điểm bên trong lãnh thổ Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Putin nói: “Tất cả những ồn ào xung quanh việc cung cấp thêm vũ khí, theo quan điểm của tôi, chỉ có một mục tiêu: Kéo dài xung đột vũ trang càng nhiều càng tốt”.
Nếu Kyiv có tên lửa tầm xa hơn, ông Putin cho biết, Moscow sẽ “đưa ra kết luận thích hợp và sử dụng các phương tiện hủy diệt mà chúng tôi có nhiều để tấn công những mục tiêu mà chúng tôi chưa tấn công”.
Ông cho rằng vũ khí mới đến Ukraine không có khả năng củng cố vận mệnh của Ukraine và chỉ là bù đắp cho tổn thất đối với các loại tên lửa có tầm bắn tương tự mà họ đã có.
Ukraine không xác nhận ngay tuyên bố của Nga rằng các cuộc tấn công của họ bằng tên lửa tầm xa, chính xác cao đã phá hủy các xe tăng ở Kyiv.
Nga cho biết, họ đã tấn công các cơ sở đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ở Kyiv, nơi chưa từng xảy ra các cuộc tấn công như vậy kể từ chuyến thăm ngày 28/4 của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Nhà điều hành nhà máy hạt nhân của Ukraine, Energoatom, hôm 5/6 cho biết, một tên lửa hành trình đã bay sượt ngang qua nhà máy điện hạt nhân Pivdennoukrainsk, cách Kyiv khoảng 350 km về phía Nam trên đường tới thủ đô, cảnh báo về sự nguy hiểm của một cuộc tấn công gần như vậy.
Cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kyiv diễn ra trong bối cảnh Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã thực hiện thành công một cuộc phản công trên chiến trường chính ở miền Đông và tái chiếm một nửa thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk thuộc Donbass.
Tuần trước, gần như toàn bộ thành phố này đã rơi vào tay Nga. Đây là thành phố công nghiệp lớn cuối cùng còn sót lại ở vùng Luhansk do Ukraine nắm giữ.
Trước khi xảy ra cuộc tấn công mới vào Kyiv hôm 5/6, Nga đã tập trung chiến đấu trong nhiều tuần ở mặt trận miền Đông nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, bao gồm cả Severodonetsk.
Sau khi rút lui trong những ngày gần đây, Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công ở đó, điều mà họ cho rằng đã khiến người Nga phải ngạc nhiên.
Ông Serhiy Haidai, Thống đốc vùng Luhansk, cho biết họ đang tiếp tục đẩy lùi người Nga.
“Đó là một tình huống khó khăn. Người Nga đã kiểm soát 70% thành phố, nhưng trong 2 ngày qua, họ đã bị đẩy lùi”, ông Haidai nói trên truyền hình Ukraine. "Thành phố bây giờ đã bị chia đôi".
Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm 5/6 rằng các cuộc phản công của Ukraine có khả năng làm giảm động lực hoạt động mà các lực lượng Nga đã đạt được trước đó.
Theo Bộ này, Nga đang triển khai các chiến binh ly khai được trang bị kém ở mặt trận Severodonetsk để hạn chế rủi ro cho các lực lượng chính quy của họ.
“Tình hình căng thẳng, phức tạp,” Thị trưởng Severodonetsk Oleksandr Striuk nói với đài truyền hình quốc gia hôm 4/6, cho biết rằng họ đang trong tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men. "Quân đội của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đánh đuổi kẻ địch ra khỏi thành phố".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 5/6 cho rằng xung đột Nga - Ukraine có khả năng sẽ kết thúc trước khi hết năm 2022.
Bình luận của ông Reznikov được đưa ra một ngày sau khi ông Mykhailo Podoliak, cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết rất khó để nói về thời hạn kết thúc chiến tranh, nhưng xét theo "vũ khí dự trữ, xung đột có thể kéo dài trong khoảng thời gian 2-6 tháng nữa".
Bất chấp cảnh báo mới nhất của Tổng thống Nga Putin về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, theo sau Mỹ, đến lượt Vương quốc Anh cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 80 km (50 dặm).
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 5/6 cho biết, sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine sẽ bắt kịp bước chuyển trong chiến thuật của Nga.
Ông Wallace cho biết thêm rằng, các hệ thống vũ khí mới sẽ "cho phép những người bạn Ukraine của chúng tôi bảo vệ chính họ tốt hơn trước sự sử dụng tàn bạo pháo binh tầm xa" của đối phương.
Tổng thống Zelenskyy thăm tuyến đầu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đến thăm vùng Zaporizhzhia và 2 thị trấn gần chiến tuyến, Lysychansk và Soledar, ông cho biết trong bài phát biểu hàng đêm của mình hôm 5/6.
Trong chuyến thăm Zaporizhzhia, ông đã gặp người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực, Oleksander Starukh, và cảnh sát quốc gia trong khu vực.
"Tôi tự hào về tất cả những người tôi đã gặp, những người tôi đã bắt tay, những người mà tôi đã kết nối và đã bày tỏ sự ủng hộ của tôi", Zelenskyy nói.
Ông Starukh nói với ông Zelenskyy rằng gần 60% lãnh thổ ở khu vực Zaporizhzhia đã bị Quân đội Nga chiếm đóng khi giao tranh vẫn tiếp diễn, và 7 ngôi làng trong vùng đã bị cắt điện.
Nơi ở tạm thời cho những người dân sơ tán khỏi Kherson và Mariupol gần đó cũng đã được thiết lập. Ông Zelenskyy kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương tiếp tục dòng viện trợ cho những người sơ tán đến đây từ nơi khác.
Ngoại giao Nga gặp khó
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 5/6 nói với kênh truyền hình La7 của Ý rằng Ngoại trưởng Sergey Lavrov dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm tại thủ đô Belgrade của Serbia vào ngày 6/6 và 7/6, nhưng các nước EU và NATO đã đóng cửa không phận, không cho máy bay của ông Lavrov bay qua.
Truyền thông Serbia trước đó đưa tin, một số quốc gia bao gồm Bulgaria, Montenegro và Bắc Macedonia đều đã đóng cửa không phận đối với máy bay của ông Lavrov.
Bộ Ngoại giao Nga không cho biết ông Lavrov sẽ đi theo hướng nào và liệu vấn đề đóng cửa không phận có thể được giải quyết để đưa ông tới Belgrade để hội đàm với nhà lãnh đạo Serbia Aleksandar Vučić hay không.
Trước đó, hôm 5/6, Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić cho biết tình hình liên quan đến chuyến thăm của ông Lavrov tới Serbia là vô cùng phức tạp, đài B92 của Serbia cho biết.
"Thật không thể tin được rằng tình hình ngày nay ở châu Âu và thế giới lại như vậy, khi mà Tổng thống của một quốc gia lại phải đứng ra giải quyết những việc như hậu cần đi lại của Ngoại trưởng một quốc gia khác, và chuyến thăm của ông ấy lại phụ thuộc vào điều này", B92 dẫn lời bà Brnabić cho biết.
Minh Đức (Theo Eurasia Review, DW, B92)