Những ngành hưởng lợi trong chiến dịch Zero-Covid của Trung Quốc
Trung Quốc, quốc gia hiếm hoi trên thế giới theo đuổi cam kết diệt sạch Covid trong nước, đang trên đà chi hơn 52 tỷ USD cho các biện pháp chống dịch vào năm nay.
Chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc liên tục truy vết, xét nghiệm và phong tỏa các khu vực dân cư để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hướng lớn đến nền kinh tế nước này, tạo ra bong bóng tăng trưởng trong lĩnh vực y tế, công nghệ và xây dựng.
Chính phủ Trung Quốc, quốc gia hiếm hoi trong số các quốc gia lớn trên thế giới theo đuổi cam kết diệt sạch vi-rút Covid-19 trong vòng biên giới, đang trên đà chi hơn 52 tỷ USD (350 tỷ NDT) vào năm nay cho việc xét nghiệm, dựng các cơ sở y tế mới, thiết bị truy vết và các biện pháp chống dịch khác.
Hãng tin Reuters trích dẫn phân tích của các chuyên gia cho thấy điều này sẽ giúp mang lại lợi ích cho khoảng 3.000 công ty.
Giáo sư Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yan Zhong), chuyên gia nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), nhận định: “Tại Trung Quốc, những công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm và các ngành liên quan khác đang thu lợi lớn nhờ vào cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch của chính phủ ”.
Nhu cầu xét nghiệm
Trung Quốc đặt mục tiêu dựng những cơ sở xét nghiệm Covid trong vòng 15 phút đi bộ đối với tất cả mọi người tại các thành phố lớn và tiếp tục triển khai xét nghiệm hàng loạt khi có dấu hiệu bùng dịch dù nhỏ nhất. Công ty chứng khoán Thái Bình Dương trụ sở tại Hồng Kông ước tính điều này đã tạo ra một thị trường trị giá hơn 15 tỷ USD mỗi năm cho các nhà cung cấp và nhà sản xuất xét nghiệm.
Chính phủ đang ủng hộ dự luật mua các bộ xét nghiệm hoặc trả tiền cho các công ty thực hiện xét nghiệm. Mặc dù giá của các xét nghiệm đã giảm xuống kể từ khi đợt bùng phát Covid-19 hồi đầu năm 2020, chỉ còn 50 xu cho mỗi bộ, nhưng nhu cầu cao tiếp tục giúp một số công ty thu lời.
Trong quý đầu năm nay, Dian Diagnostics Group Co Ltd (300244.SZ), nhà sản xuất xét nghiệm y tế lớn hàng đầu Trung Quốc đặt trụ sở tại thành phố Hàng Châu, đã báo cáo lợi nhuận tăng hơn gấp đôi. Doanh thu của hãng tăng hơn 60% lên tới 690 triệu USD, gần một nửa trong số đó đền từ dịch vụ xét nghiệm Covid được chi trả hầu hết bởi chính phủ.
Theo báo cáo tài chính của Rival Adicon Holdings Ltd, công ty đã nhận được khoảng 300 triệu USD chủ yếu từ nguồn chính phủ cho các xét nghiệm Covid trong năm 2020 và 2021.
Thời báo Chứng khoán do nhà nước điều hành cho biết Công ty TNHH Công nghệ Y tế Runda Thượng Hải (603108.SS) đã xử lý tới 400.000 xét nghiệm Covid mỗi ngày vào tháng 4, trong suốt thời gian phong tỏa kéo dài gần 2 tháng của Thượng Hải đã tạo ra hơn 30 triệu USD mỗi tháng.
Đối với Trung Quốc, chính sách “Zero Covid” đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ người dân và ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia rơi vào tình trạng quá tải. Có ít dấu hiệu cho thấy sự nới lỏng phong tỏa ngay cả khi chi phí kinh tế gia tăng.
Các chỉ số mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã suy yếu đáng kể từ tháng 3, với việc chi tiêu tiêu dùng, việc làm, xuất khẩu và doanh số bán nhà đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến đường cao tốc và các cảng tắc nghẽn, công nhân bị mắc kẹt và các nhà máy buộc phải đóng cửa.
Nhiều nhà kinh tế khu vực tư nhân dự báo nền kinh tế sẽ thu hẹp trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó, so với mức tăng trưởng 4,8% của quý đầu tiên. Chỉ số CSI 300 blue-chip (CSI300) đo lường giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đã sụt giảm 19% trong năm nay.
Các nhà đầu tư đã quan ngại đà phát triển mạnh mẽ của các công ty như Dian, Adicon và Shanghai Runda sẽ kéo dài bao lâu, đây vốn là những công ty có vận may gắn với chi tiêu của chính phủ. Hãng tin Reuters trích dẫn dự báo trung bình của các nhà phân tích cho rằng doanh thu của Dian sẽ giảm nhẹ vào năm tới, trong khi Shanghai Runda tiếp tục tăng trưởng. Cổ phiếu của cả hai công ty đều giảm từ đầu năm nay tới nay.
Công ty chứng khoán Essence có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết trong một ghi chú mới đây: "Diễn biến đại dịch là không chắc chắn do các chủng đột biến mới của Covid-19 và khả năng lây nhiễm phức tạp"; "Nếu sự lây lan của dịch bệnh được kiểm soát tốt và chính sách phòng dịch được điều chỉnh, điều này có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu thị trường về xét nghiệm axit nucleic Covid".
Giáo sư Hoàng Nghiêm Trung Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) nhận định việc phong tỏa, truy vết và cách ly trên diện rộng của Trung Quốc có thể ngăn chặn tình huống xấu nhất nhưng không phải là giải pháp lâu dài; “Về mặt dịch tễ học và kinh tế, nó không bền vững”.
Việc phong tỏa và các hạn chế khác trong chiến lược “Zero-Covid” của Trung Quốc ngày càng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác trên thế giới đã nới lỏng những biện pháp và mở cửa biên giới.
Từ ngày 29/5, thủ đô Bắc Kinh đã cho phép công viên công cộng, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim hoat động trở lại, tất cả đều giới hạn ở mức 50% công suất.
Giám sát diện rộng và các bệnh viên dã chiến
Hàng chục nhà sản xuất camera giám sát và ảnh nhiệt như Wuhan Guide Infrared Co Ltd (002414.SZ) và Hangzhou Hikvision Digital Technology Co Ltd (002415.SZ) đã được hưởng lợi từ nhu cầu của chính phủ Trung Quốc về các thiết bị có thể giúp họ theo dõi tình trạng Covid-19 của 1,4 tỷ dân.
Wuhan Guide, một trong những nhà sản xuất thiết bị ảnh nhiệt hàng đầu thế giới, đã ghi nhận doanh thu năm 2020 tăng gấp đôi khi họ phải làm việc cả ngoài giờ để cung cấp camera đo thân nhiệt giúp phát hiện nhanh các cơn sốt trên khắp Trung Quốc và nước ngoài. Tăng trưởng của công ty đã chững lại vào năm ngoái, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm nay và năm sau.
Dịch bệnh đã thúc đẩy các phát minh. Kể từ tháng 3, các công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc đã nộp ít nhất 50 bằng sáng chế liên quan đến Covid-19. Những phát minh này chủ yếu để điều chỉnh hệ thống và nền tảng camera giám sát hiện có, nhằm theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần hoặc nghi nhiễm.
Nhu cầu cấp thiết về hàng trăm bệnh viện mới để giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng y tế Trung Quốc đã giúp một số công ty xây dựng phát triển mạnh.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh (601390.SS), bao gồm cả hoạt động xây dựng, sản xuất và bất động sản, đã xây dựng các bệnh viện dã chiến trên khắp đất nước trong năm nay đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như trung tâm tài chính Thượng Hải và vùng đông bắc “thành phố ô tô” Trường Xuân.
Lợi nhuận của tập đoàn đã tăng trưởng đều đặn trong 2 năm qua một phần đến từ các dự án liên quan đến đại dịch, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới. Vào tháng 5, cổ phiếu của tập đoàn đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Trung Quốc đã dựng khoảng 300 bệnh viện dã chiến trên khắp cả nước với chi phí hơn 4 tỷ USD chỉ trong khoảng thời gian 35 ngày từ tháng 3 đến tháng 4, khi số trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh. Một phần ba trong số đó được xây dựng tại thành phố Thượng Hải và khu vực xung quanh.
Ông Ma Xiaowei, người đứng đầu Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vào ngày 15/5 đã kêu gọi xây dựng "bệnh viện dã chiến lâu dài" trong ấn phẩm hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Qiushi. Điều này cho thấy nhu cầu lâu dài đối với những dự án như vậy.
Hãng tin Reuters ước tính chính phủ Trung Quốc sẽ chi khoảng 15 tỷ USD cho các bệnh viện mới trong năm nay.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, AP)