Trung Quốc “kém hấp dẫn hơn” với doanh nghiệp EU
78% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát bày tỏ rằng Trung Quốc là "một điểm đến đầu tư kém hấp dẫn hơn" do các quy định nghiêm ngặt về Covid-19 tại nước này.
Theo Phòng Thương mại Châu Âu, ngày càng có nhiều doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc đang tìm giải pháp chuyển hướng đầu tư, nguyên nhân liên quan đến các biện pháp phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo cuộc khảo sát kinh doanh được công bố mới đây, các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đang cảm thấy quan ngại về những tác động tiêu cực từ chính sách "Zero-Covid" của Bắc Kinh. Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty đã bày tỏ niềm tin về kinh doanh yếu hơn đối với việc Trung Quốc đóng của nghiêm ngặt và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nguyên nhân niềm tin kinh doanh suy giảm?
Cuộc khảo sát do cơ quan châu Âu thực hiện cho thấy 23% người tham gia đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc kế hoạch kinh doanh ra khỏi Trung Quốc và sang các thị trường khác. Con số này cao hơn gấp đôi so với kết quả khảo sát tương tự được thực hiện hồi đầu năm nay. Tỷ lệ mới công bố đạt mức cao nhất "trong một thập kỷ", theo cơ quan châu Âu.
Khoảng 78% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cảm thấy Trung Quốc là "một điểm đến đầu tư kém hấp dẫn hơn" do các quy định nghiêm ngặt về Covid-19 tại nước này. Ba phần tư số người được hỏi cho biết việc phong tỏa dịch bệnh ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đối với dịch vụ logistics và các chuyến đi công tác.
Đáng chú ý, 92% trong số các công ty cho biết chuỗi cung ứng của họ đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các cảng ở Trung Quốc, chi phí vận tải biển gia tăng trong khi sự vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, chia sẻ: “Các doanh nghiệp của chúng tôi sẵn sàng vượt qua những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp sẽ ngày càng xem xét đến những lựa chọn kinh doanh thay thế cho thị trường Trung Quốc”.
Chuyên gia phân tích chính sách Sally Xu của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cho biết: “Các doanh nghiệp cho rằng cần trì hoãn hoặc giảm đầu tư, nguyên nhân liên quan đến việc thành phố Thượng Hải phong tỏa. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng nếu điều tương tự xảy ra ở Bắc Kinh”.
Ông Sally Xu chia sẻ đã có những tác động về tâm lý, “Trung Quốc vốn là điểm đến kinh doanh quốc tế hấp dẫn, việc tiếp tục đóng cửa và những sự không chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên và niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng kinh doanh và mở rộng tại thị trường này”.
Tình hình Covid-19 tại Trung Quốc
Hiện tại, hàng chục thành phố Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, hoặc được kiểm soát ở mức cấp huyện trong bối cảnh giới chức tìm cách hạn chế sự lây lan của các trường hợp Covid-19. Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược Zero-Covid bằng cách áp đặt các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt. Tuy nhiên, biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao đang khiến chiến lược này ngày càng khó để thực hiện.
Thủ đô Bắc Kinh, nơi nhiều khu phố đang bị phong tỏa, báo cáo 50 trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vào hôm 5/5. Một số khu vực đông dân cư đã yêu cầu mọi người làm việc tại nhà, trong khi hàng chục ga tàu điện ngầm vẫn đóng cửa.
Việc phong tỏa dài ngày ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc và là nơi sinh sống của khoảng 25 triệu dân, đã gây ra sự thiếu lương thực và nhận phải nhiều ý kiến trái nhiều từ công chúng. Trung tâm tài chính Thượng Hải đã báo cáo hơn 4.600 ca nhiễm mới và thêm 13 ca tử vong vào hôm 5/5.
Phạm Hà Thanh (theo DW, Aljazeera)