Nga diễn tập mô phỏng tấn công hạt nhân ở Kaliningrad
Giữa lúc xung đột giữa các bên leo thang căng thẳng, Nga tuyên bố nước này đã diễn tập mô phỏng tấn công hạt nhân ở vùng lãnh thổ Nga ngay giữa lòng NATO.
Nga tuyên bố các lực lượng của họ đã diễn tập mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách rời của Nga, nằm giữa các nước thành viên NATO là Ba Lan và Litva, dọc theo Bờ biển Baltic.
Nga đã diễn tập mô phỏng điện tử với hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Bộ Quốc phòng nước này cho biết trong một tuyên bố hôm 4/5.
Các lực lượng Nga đã thực hành các cuộc tấn công đơn lẻ và đồng loạt vào các mục tiêu mô phỏng bao gồm các bệ phóng tên lửa, sân bay, cơ sở hạ tầng được bảo vệ, thiết bị quân sự và sở chỉ huy của quân địch giả định, AFP dẫn tuyên bố trên cho biết.
Sau khi thực hiện các nhiệm vụ trên, các quân nhân Nga đã diễn tập thay đổi vị trí để tránh các cuộc tấn công đáp trả, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.
Các đơn vị chiến đấu cũng thực hành “tác chiến trong điều kiện ô nhiễm phóng xạ và hóa chất”.
Cuộc tập trận mô phỏng ở Kaliningrad, với sự tham gia của hơn 100 quân nhân, diễn ra giữa lúc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đang hết sức căng thẳng và các nước Bắc Âu, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển, đang có ý định gia nhập NATO.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, do vị trí đặc biệt mà Kaliningrad nắm giữ và những vũ khí được cho là Nga đã triển khai ở vùng này, một khi căng thẳng bùng phát thành hành động quân sự, NATO có thể cảm nhận một cuộc tấn công tàn khốc từ ngay bên trong ngôi nhà của mình.
Nga đã đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine vào ngày 24/2. Ông Putin đã ám chỉ về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời cảnh báo về một đòn trả đũa "nhanh như chớp" nếu phương Tây can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Giao tranh ác liệt tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol
Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu trong "trận chiến đẫm máu" bên trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol nhằm chống lại các lực lượng Nga, Denis Prokopenko, Chỉ huy Tiểu đoàn Azov, cho biết.
Trong một tin nhắn video ngắn gọn được đăng lên Telegram vào cuối ngày 4/5, ông Prokopenko cho biết: “Tôi tự hào về những người lính của mình, những người đang nỗ lực hết sức mình để kiềm chế sức ép của kẻ địch… tình hình vô cùng khó khăn”.
Trước đó, Nghị sĩ David Arakhamia, người đứng đầu nhánh nắm quyền Nghị viện Ukraine, xác nhận rằng các lực lượng Nga đã tiến vào nhà máy thép Azovstal.
"Các nỗ lực tấn công nhà máy tiếp tục sang ngày thứ hai. Quân đội Nga đã ở trong khuôn viên của nhà máy Azovstal", RFE/RL dẫn lời ông Arakhamia cho biết.
Ông Arakhamia cũng cho biết, đến tối ngày 4/5, liên lạc vẫn được duy trì giữa Chính phủ Ukraine và các tay súng Ukraine cố thủ bên trong nhà máy.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cũng cho biết các tay súng Ukraine vẫn đang cố thủ trong thành trì cuối cùng ở Mariupol.
Chính quyền thành phố cho biết khoảng 200 dân thường và hơn 30 trẻ em vẫn bị mắc kẹt ở đó.
Trước đó, Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cho biết, liên lạc với các tay súng này đã bị gián đoạn trong bối cảnh giao tranh ác liệt tại nhà máy.
Trước thông tin các lực lượng Nga đã tiến vào khuôn viên nhà máy thép Azovstal hôm 4/5, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đưa ra nhận định về bước đi tiếp theo của Quân đội Nga.
"Mức độ của bước tiến này của Nga vẫn chưa rõ ràng, và các lực lượng Nga có thể sẽ phải đối mặt với những cuộc giao tranh gây nhiều tổn thất hơn nữa nếu họ có ý định quét sạch quân Ukraine khỏi toàn bộ cơ sở này", ISW cho biết trong bản đánh giá mới nhất của mình về chiến dịch của Nga.
ISW cũng đưa ra nhận định rằng rất có thể Điện Kremlin hy vọng sẽ hạ được Azovstal để kịp tuyên bố đã giành toàn quyền kiểm soát Mariupol vào ngày 9/5.
Điện Kremlin bác tin đồn tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5
Điện Kremlin hôm 4/5 đã lên tiếng bác bỏ những đồn đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin dự định tuyên chiến với Ukraine và tuyên bố tổng động viên toàn quốc vào ngày 9/5, khi nước Nga kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II.
Ông Putin cho đến nay vẫn mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", không phải là một cuộc chiến.
Nhưng các chính trị gia phương Tây và một số người theo dõi Nga đã suy đoán rằng ông Putin có thể đang chuẩn bị tuyên bố một thông báo quan trọng vào thứ Hai tới, ngày 9/5, với một loạt các kịch bản có thể xảy ra, từ chính thức tuyên chiến với Ukraine, đến tuyên bố chiến thắng.
Khi được hỏi về lời đồn đoán rằng ông Putin sẽ tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đáp: "Không có khả năng đó. Điều đó là vô nghĩa".
Ông Peskov cũng khuyên mọi người không nên nghe những đồn đoán về lệnh tổng động viên toàn quốc vào ngày đó.
"Đó không phải là sự thật. Đó là điều vô nghĩa", ông Peskov nói với các phóng viên.
Ngày Chiến thắng 9/5 là một trong những sự kiện quốc gia quan trọng nhất của Nga để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Ước tính có khoảng 27 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến 1941-1945 khiến Liên Xô bị tàn phá nặng nề và hầu hết mọi gia đình Liên Xô đều để tang.
Nga ngừng bắn 3 ngày liền ở Azovstal để di tản dân thường
Quân đội Nga hôm 4/5 tuyên bố họ sẽ mở hành lang nhân đạo từ nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol trong 3 ngày liên tiếp, 5/5, 6/5 và 7/5.
"Các lực lượng vũ trang Nga, từ 8h sáng đến 6h chiều giờ Moscow (12h-22h giờ Hà Nội) các ngày 5/5, 6/5 và 7/5, sẽ mở một hành lang nhân đạo từ khuôn viên của nhà máy luyện kim Azovstal để sơ tán dân thường", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một bài đăng trực tuyến.
Nhà máy này là nơi ẩn náu cuối cùng của các chiến binh Ukraine ở Mariupol và các nhà chức trách cho biết hàng trăm thường dân cũng đang ẩn náu trong mạng lưới đường hầm dưới lòng đất.
Hôm 3/5, hơn một trăm dân thường đã được Liên hợp quốc và Hội Chữ thập đỏ sơ tán khỏi nhà máy đã đến Zaporizhzhia sau một hành trình kéo dài 3 ngày mệt mỏi.
Thụy Điển nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ nếu gia nhập NATO
Mỹ được cho là đã đề nghị cung cấp đảm bảo an ninh cho Thụy Điển trong trường hợp nước này nộp đơn xin gia nhập NATO.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết hôm 4/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đảm bảo rằng đất nước của bà sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong thời gian đơn xin gia nhập liên minh này được xử lý.
Thụy Điển, cũng như nước láng giềng Phần Lan, đã đứng ngoài NATO trong thời kỳ Chiến Tranh lạnh. Nhưng các nước Bắc Âu đã cân nhắc lại chính sách an ninh của mình kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và đặc biệt là sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đơn xin gia nhập có thể mất đến cả năm trời để được các thành viên của liên minh phê duyệt. Do đó, Thụy Điển và Phần Lan lo ngại rằng họ có thể sẽ dễ bị tổn thương trong khoảng thời gian này.
Moscow tuyên bố họ có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga ở Biển Baltic nếu các nước này gia nhập NATO.
“Tôi không có ý định đi vào bất kỳ chi tiết nào, nhưng tôi cảm thấy rất chắc chắn rằng bây giờ chúng tôi đã có sự đảm bảo của Mỹ”, Ngoại trưởng Linde tuyên bố, nhưng không cho biết cụ thể về các đảm bảo an ninh mà bà nhận được.
Bà chỉ nói đại ý rằng một khi Nga có bất kỳ hành động tiêu cực nào chống lại Thụy Điển thì Mỹ sẽ không để yên mà không phản ứng gì.
Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian, DW, Al Jazeera)