Nga nổ "phát súng cảnh báo" tới châu Âu về chuyện khí đốt?
Ukraine cho rằng bằng cách đe dọa cắt nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria, Nga đang "bắt đầu công cuộc tống tiền khí đốt đối với châu Âu".
Các quan chức Ba Lan và Bulgaria cho biết, Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đã đe dọa cắt nguồn cung khí đốt tới 2 quốc gia này bắt đầu từ 27/4.
Nếu đúng, đây sẽ là hành động đầu tiên của Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” với Moscow trả tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, Ba Lan đã nhận được thông báo từ công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom về kế hoạch ngừng vận chuyển khí đốt.
Thủ tướng Morawiecki đưa ra thông tin trên tại Berlin sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 26/4.
Ông cho rằng lưu ý rằng Ba Lan đã chuẩn bị cho điều này bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình.
Các kho chứa khí đốt của Ba Lan hiện đã được lấp đầy 76%, Thủ tướng Morawiecki xác nhận.
Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa khẳng định “sẽ không thiếu khí đốt trong các ngôi nhà của người Ba Lan”.
Công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan cũng xác nhận, kể từ ngày 27/4, Gazprom sẽ không cung cấp khí đốt cho Ba Lan qua đường ống dẫn khí Yamal nữa.
PGNiG cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang theo dõi tình hình và chuẩn bị lấy khí đốt từ các nguồn kết nối khác nhờ "chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của chính phủ".
Cuối ngày 26/4, Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz đã nhận được thông báo tương tự từ Gazprom.
Bộ này cho biết, họ sẽ thực hiện các bước để tiếp cận nguồn cung khí đốt thay thế, đồng thời lưu ý thêm rằng Bulgaria không cần thiết phải hạn chế tiêu thụ khí đốt trong thời điểm hiện tại.
Bulgaria gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về nhu cầu khí đốt hàng năm. Bulgargaz cho biết trong một tuyên bố rằng họ "hoàn toàn đáp ứng các nghĩa vụ của mình và đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán được yêu cầu theo hợp đồng hiện tại của mình một cách kịp thời, nghiêm ngặt và phù hợp với các điều khoản hợp đồng".
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng Nga đang "bắt đầu công cuộc tống tiền khí đốt đối với châu Âu" bằng cách đe dọa cắt nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria.
“Nga đang cố gắng phá vỡ sự đoàn kết giữa các đồng minh của chúng ta. Nga cũng đang chứng minh rằng các nguồn năng lượng là một vũ khí”, ông Yermak nói.
“Đó là lý do tại sao (Liên minh châu Âu) cần phải đoàn kết và áp đặt lệnh cấm vận đối với các nguồn năng lượng, tước vũ khí năng lượng của người Nga”.
“Phát súng cảnh báo”
Gazprom không xác nhận ngay lập tức về động thái “khóa van” này. Tuy nhiên, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời một giám đốc điều hành của Gazprom cho biết, Ba Lan phải thanh toán khí đốt cho công ty này theo "thủ tục thanh toán mới".
Việc đình chỉ giao khí đốt sẽ là động thái đầu tiên kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hồi tháng 3 rằng những khách hàng nước ngoài "không thân thiện" sẽ phải thanh toán khí đốt từ Gazprom bằng đồng rúp thay vì các loại tiền tệ khác.
Ba Lan và nhiều nước EU khác đã từ chối yêu cầu trên của ông Putin.
Ông Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt của nhà cung cấp dữ liệu tình báo ICIS, nhận định: "Đây là một phát súng cảnh báo địa chấn của Nga".
Vị chuyên gia này cho rằng, động thái “khóa van” của Nga là nhằm vào Ba Lan, một quốc gia có lập trường “không thân thiện” với Nga và Tập đoàn Gazprom của Nga, trong khi trường hợp Bulgaria bị cắt nguồn cung khí đốt là “một sự phát triển theo đúng nghĩa của nó”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp là vi phạm các hợp đồng hiện có với Gazprom.
"Đề xuất của Nga về thủ tục thanh toán 2 bước là vi phạm hợp đồng hiện tại và mang lại rủi ro đáng kể cho Bulgaria, bao gồm cả tình huống giao tiền mà không nhận được hàng từ Nga'', Chính phủ Bulgaria cho biết.
Ba Lan là quốc gia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và chào đón số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời đóng vai trò là trung tâm trung chuyển vũ khí từ các nước phương Tây vào Ukraine.
Ba Lan nhập khẩu khí đốt qua các cảng Baltic và cũng có kế hoạch nhận khí đốt từ Na Uy sau khi dự án Đường ống Baltic dài 900 km (560 dặm) hoàn thành vào cuối năm nay. Ba Lan hy vọng Na Uy sẽ có thể cung cấp khoảng 1/2 lượng khí đốt mà nước này cần.
Công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan hôm 26/4 tuyên bố, họ sẽ thực hiện các bước để khôi phục dòng chảy khí đốt theo hợp đồng qua đường ống Yamal, và rằng bất kỳ động thái ngừng cung cấp nào là vi phạm hợp đồng đó, đồng thời cho biết họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Đường ống Yamal cung cấp khí đốt cho Ba Lan, trong khi Đức vẫn nhận khí đốt từ Nga qua đường ống Nordstream dưới biển.
Cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt của Đức cho biết họ đang theo dõi tình hình, và xác nhận rằng "an ninh nguồn cung ở Đức hiện đang được đảm bảo".
Một số khách hàng mua khí đốt của Nga, chẳng hạn như Hungary, cho biết họ có thể thanh toán cho các hợp đồng khí đốt trong tương lai theo kế hoạch do Moscow công bố mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đã nhắc lại hôm 26/4 rằng họ "không có ý định" trả tiền mua khí đốt cho Nga bằng đồng rúp.
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Sky News, Al Jazeera)