Tổng thống Zelensky muốn sắp xếp hội đàm với Tổng thống Putin
Chiến sự Nga - Ukraine đã đánh dấu “một bước leo thang đáng kể”. Đồng thời, đàm phán giữa hai quốc gia cũng ghi nhận những diễn biến mới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nhiệm vụ chính của phái đoàn của ông tại cuộc hội đàm với những người đồng cấp Nga là sắp xếp một cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Phái đoàn của cả 2 bên đang hội đàm hàng ngày thông qua hình thức trực tuyến”, ông Zelensky cho biết, đồng thời mô tả nhiệm vụ của phái đoàn Ukraine là một “con đường khó khăn”.
Điện Kremlin: Quá sớm để xác nhận hội đàm cấp nguyên thủ
Điện Kremlin cho biết tại cuộc hội đàm giữa Moscow và Kiev, các nhà đàm phán cũng đang thảo luận về khả năng của một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, Moscow không loại trừ ý tưởng này.
Tuy nhiên, "chúng tôi cần biết kết quả sẽ như thế nào và điều gì sẽ được thảo luận tại cuộc họp này", hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Peskov cho biết.
Ông Peskov nói với Interfax rằng còn quá sớm để thảo luận về kết quả của những nỗ lực sắp xếp một cuộc họp.
Trước đó, vào ngày 13/3, cả 2 bên đã đưa ra tín hiệu rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn đang đạt được tiến bộ và cho biết các cuộc đàm phán, đang diễn ra trực tuyến thông qua liên kết video, sẽ tiếp tục vào ngày 14/3.
Đàm phán ngừng bắn ghi nhận tiến bộ
Các quan chức Nga và Ukraine đã đưa ra những đánh giá lạc quan nhất về tiến triển của các cuộc đàm phán ngừng bắn, cho thấy có thể có kết quả tích cực trong vòng vài ngày tới.
"Chúng tôi sẽ không nhượng bộ về nguyên tắc trong bất kỳ luận điểm nào", thành viên phái đoàn Ukraine đồng thời là Cố vấn Tổng thống, ông Mykhailo Podolyak, cho biết trong một video đăng trực tuyến. Ông nói thêm rằng, Điện Kremlin hiện hiểu điều này và "đã bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng".
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được một số kết quả theo đúng nghĩa đen trong vài ngày tới”, ông nói.
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Leonid Slutsky, một thành viên phái đoàn Nga, cho biết các cuộc đàm phán đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
“Theo kỳ vọng của cá nhân tôi, trong những ngày tới, tiến độ này có thể phát triển thành luận điểm chung của cả 2 phái đoàn, thành các văn kiện để ký kết”, ông Slutsky nói.
Không bên nào cho biết chi tiết về bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết, Moscow đang có dấu hiệu sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán thực chất về việc chấm dứt xung đột.
Hai phái đoàn từ Moscow và Kiev đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ khi xung đột vũ trang bùng nổ vào ngày 24/2. Các ngoại trưởng Nga và Ukraine cũng đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/3.
Tổng thống Zelensky đưa ra cảnh báo cho NATO
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại yêu cầu của mình về việc NATO áp dụng “vùng cấm bay” đối với Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Nga có thể tấn công lãnh thổ NATO.
"Nếu quý vị không đóng cửa không phận của chúng tôi, chỉ là vấn đề thời gian trước khi tên lửa của Nga rơi xuống lãnh thổ của quý vị, trên lãnh thổ NATO", Tổng thống Zelensky đưa ra cảnh báo trong một bài phát biểu video.
Cảnh báo trên được ông Zelensky đưa ra sau khi lực lượng Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một trung tâm huấn luyện quân sự ở Yavoriv, gần biên giới của Ukraine với thành viên NATO là Ba Lan.
Nga xác nhận tấn công cơ sở quân sự Ukraine
Nga cho biết lực lượng của họ đã đánh vào một cơ sở huấn luyện quân sự ở miền tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết, cuộc tấn công tại căn cứ Yavoriv đã tiêu diệt "180 lính đánh thuê nước ngoài" và "một lượng lớn vũ khí nước ngoài đã bị phá hủy".
Tuyên bố trên không thể được xác minh một cách độc lập.
Một thống đốc khu vực Ukraine cho biết, 35 người đã thiệt mạng và 134 người bị thương trong vụ tấn công, có liên quan đến hơn 30 tên lửa hành trình của Nga.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga đã sử dụng vũ khí tầm xa chính xác cao để tấn công Yavoriv và một cơ sở riêng biệt ở làng Starichi.
Cuộc tấn công, rất gần biên giới với Ba Lan, dường như đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong cuộc xung đột.
Phái viên Trung Quốc phản ứng về thông tin liên quan đến Nga
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Liu Pengyu, đã phản hồi với báo chí Mỹ về thông tin cho rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thiết bị quân sự để sử dụng ở Ukraine.
"Tôi chưa bao giờ nghe nói về điều đó", vị phái viên này tuyên bố.
Ông Pengyu nói với Reuters rằng tình hình ở Ukraine là "đáng lo ngại" và ưu tiên của Trung Quốc là ngăn nó "leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát".
Trước đó, các tờ Financial Times, Washington Post và New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thiết bị quân sự kể từ khi xung đột vũ trang với Ukraine bùng nổ hôm 24/2.
Ukraine bị cô lập khỏi thương mại hàng hải quốc tế
Lực lượng hải quân Nga đã thiết lập "phong tỏa từ xa Bờ Biển Đen của Ukraine", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm 13/3.
Điều này khiến Ukraine bị cô lập khỏi thương mại hàng hải quốc tế, Bộ này cho biết thêm.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, lực lượng hải quân Nga đang tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine.
Nga đã tiến hành một cuộc đổ bộ vào Biển Azov và "có thể sẽ tiến hành thêm các hoạt động như vậy trong những tuần tới", Bộ này cảnh báo.
Việc sơ tán dân thưởng khỏi Mariupol lại bị trì hoãn
Một đoàn xe nhân đạo chở hàng viện trợ, cùng với xe buýt sơ tán, một lần nữa không thể tiếp cận thành phố cảng Mariupol, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trên kênh truyền hình quốc gia
Đoàn xe trên đang trong thành phố Berdiansk – nơi quân Nga đã kiểm soát, và sẽ cố gắng tiếp cận Mariupol một lần nữa vào ngày 14/3, bà Vereshchuk cho biết.
Theo bà Vereshchuk, hơn 140.000 dân thường đã được sơ tán khỏi các khu vực xung đột khác, trong đó có vài nghìn người từ các thị trấn gần thủ đô Kiev.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã cảnh báo, Mariupol phải đối mặt với "tình huống xấu nhất" nếu các bên tham chiến không khẩn trương đạt được một "thỏa thuận nhân đạo cụ thể".
Thành phố cảng với khoảng nửa triệu dân này đã bị bao vây từ đầu tháng này.
Minh Đức (Theo DW Al Jazeera)