Nguy cơ khủng hoảng lúa mì đe doạ các nước Trung Đông-Bắc Phi
Giá lúa mì đã tăng 35% kể từ khi Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, sẽ trở thành vấn đề mang tính hệ thống với các nước nghèo hơn trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến nhiều quốc gia châu Âu quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Moscow mà họ vốn phụ thuộc từ lâu. Căng thẳng quân sự đã làm gia tăng sức ép lên các nguồn năng lượng, khiến giá dầu, khí đốt, than đá cùng những hàng hóa khác. Bên cạnh rủi ro về năng lượng do tác động từ cuộc chiến, an ninh lương thực toàn cầu cũng có nguy cơ bị đe dọa. Đặc biệt, chuỗi cung ứng lúa mì ở một số quốc gia khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) đang đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng gián đoạn.
Theo hãng dịch vụ tài chính JPMorgan, Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới. Theo Bank of America, 17% thương mại lúa mì quốc tế đến từ Nga và 12% đến từ Ukraine. Một số quốc gia Trung Đông-Bắc Phi phụ thuộc nhiều vào mặt hàng xuất khẩu này vì lúa mì đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của người dân.
Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, khoảng 70% lúa mì nước này đến từ Nga và Ukraine. Khoảng 80% ngũ cốc của Tunisia cũng đến từ hai quốc gia này. Lebanon nhập khẩu 60% lúa mì từ Ukraine.
Gián đoạn vụ mùa và vận chuyển
Một số vùng đóng vai trò then chốt trong sản xuất và xuất khẩu lúa mì tại Ukraine hiện đang bị quân đội Nga bắn phá. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hầu hết vụ lúa mì Ukraine tập trung phía đông nam. Khi các lực lượng Nga tấn công ở phía nam, Ukraine đã lo ngại mục tiêu nhắm vào Odesa-cảng chính trên Biển Đen của nước này. Nếu quân đội Nga chặn đường tiếp cận Biển Đen, việc cung cấp lúa mì của Ukraine cho khu vực MENA sẽ bị gián đoạn.
Ông David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), chia sẻ với hãng tin DW rằng Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược đối với chuỗi cung ứng lúa mì Ukraine, bởi xuất khẩu nước này sang khu vực Trung Đông-Bắc Phi chỉ được vận chuyển bằng đường biển. Ông Laborde cho biết: "Lúa mì mà mọi người đang buôn bán là từ vụ thu hoạch tháng 7/2021, trước khi xảy ra căng thẳng quân sự";"Trên thực tế, việc cảng không thể hoạt động sẽ gây thiếu hụt cho các quốc gia như Ai Cập và Lebanon".
Mức độ ảnh hưởng của chiến sự đối với an ninh lương thực tại Trung Đông-Bắc Phi phụ thuộc vào thời gian mà cuộc chiến kéo dài. Nếu nông dân Ukraine không thể trồng trọt và thu hoạch lúa mì vào tháng 7 năm nay, chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn. Dù họ vẫn trồng trọt được chăng nữa thì cũng chưa chắc có thể sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa đến cảng.
Đi tìm nguồn cung lúa mì thay thế
Giá lúa mì đã tăng 35% kể từ khi Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, có thể trở thành một vấn đề mang tính hệ thống đối với các nước nghèo hơn trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Ông Amin Salam, Bộ trưởng Bộ kinh tế và thương mại Lebanon, chia sẻ với hãng tin Reuters rằng đang tìm kiếm thỏa thuận nhập khẩu thay thế từ các nước khác nhau.
Quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu là Ai Cập cho biết vẫn còn lượng dự trữ nhưng cũng đang tìm kiếm nguồn thay thế từ nước khác. Căng thẳng quân sự tại Ukraine đã khiến Syria bắt đầu phân bổ lại lúa mì. Trong khi đó Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, đã gọi đây là "thảm họa đếm ngược" đối với Yemen-vốn là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Ông Mounir Khamis, Giám đốc điều hành công ty lương thực AIDCO đặt trụ sở tại Lebanon, nhận định căng thẳng quân sự sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực. Ông cho biết việc nhập khẩu lúa mì và các loại ngũ cốc khác từ Bắc Mỹ hoặc Nam Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí vận chuyển cực kỳ tốn kém. Ông Mounir Khamis nói: "Romania, Nga và Ukraine đều tiếp giáp với Biển Đen. Vì vậy, việc các tàu vận chuyển đến Lebanon và các nước Trung Đông-Bắc Phi khác sẽ dễ dàng hơn".
Mặc dù các nước Trung Đông-Bắc Phi có thể đa dạng hóa nguồn cung từ những công ty phương Tây, nhưng sự vận chuyển chậm trễ sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng. Một số quốc gia Trung Đông-Bắc Phi đã tự trồng lúa mì nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tổng thể. Ông Mounir Khamis cho hay: "Ví dụ như Thung lũng Beqaa là khu vực duy nhất tại Lebanon trồng lúa mì"; “Nông dân chỉ trồng lúa mì cứng, không thích hợp để làm bánh".
Hậu quả của khủng hoảng lúa mì
Ông David Laborde, nhà nghiên cứu tại IFPRI, cho biết mọi người sẽ không cảm nhận ngay lập tức giá lúa mì ngày càng tăng bởi nhiều quốc gia Trung Đông-Bắc Phi đã áp dụng các khoản trợ cấp. Nhưng các chính phủ có thể đã bắt đầu phân bổ hoặc tăng giá những mặt hàng liên quan đến lúa mì. Những động thái như vậy có thể dẫn đến bất ổn xã hội ở các quốc gia vốn đã bị siết chặt kinh tế.
Ai Cập có thể là quốc gia Trung Đông-Bắc Phi hứng chịu hậu quả nhiều nhất từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, các quốc gia Bắc Phi khác cũng sẽ chịu những ảnh hưởng mạnh. Họ có thể tìm kiếm nguồn cung lúa mì từ các nước khác nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu của Nga và Ukraine.
Ông Laborde cho rằng an ninh lương thực toàn cầu đã bị đe dọa từ trước khi xảy ra xung đột này. Thế giới đã trải qua một số cuộc khủng hoảng gia tăng trong vài năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người và làm giảm thu nhập tại các khu vực đang phát triển nói riêng. Ông Laborde nói: “Căng thẳng Nga-Ukraine khiến chúng ta rơi vào tình cảnh khó khăn vì không biết liệu mùa thu hoạch và gieo trồng lúa mì có thể tiếp diễn hay không”.
Phạm Hà Thanh (theo DW, CNBC)