Mục tiêu kép
Việc Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thúc đẩy sáng kiến "nhà máy đóng tàu quốc gia" được giới phân tích nhận định là nhằm hai mục tiêu.
Tờ South China Morning Post mới đây cho biết, với sáng kiến "nhà máy đóng tàu quốc gia", Chính phủ Nhật Bản sẽ chủ trì hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng và nâng cấp các nhà máy đóng tàu trước khi bàn giao cho các doanh nghiệp tư nhân của nước này vận hành. Ước tính sẽ cần 1.000 tỷ yên (tương đương 6,9 tỷ USD) từ đầu tư công và đầu tư tư nhân để hiện thực hóa sáng kiến. “Việc phục hồi ngành đóng tàu rất quan trọng đối với an ninh kinh tế của Nhật Bản. Chúng tôi sẽ hợp tác với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản để củng cố chuỗi cung ứng và bảo đảm nguồn cung tàu ổn định”, Bộ trưởng An ninh kinh tế Nhật Bản Minoru Kiuchi phát biểu với báo giới.
![]() |
Một nhà máy đóng tàu tại thành phố Fukuyama của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia |
Tuy từng dẫn đầu thế giới, song ngành đóng tàu Nhật Bản được cho là đã rơi vào thoái trào trong những năm gần đây. Số lượng nhà máy đóng tàu tại Nhật Bản đã giảm từ 194 vào năm 2018 xuống còn 178 vào năm 2024. "Năng lực sản xuất cứng nhắc do diện tích hạn chế và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực khiến các nhà máy đóng tàu Nhật Bản hầu như không thể mở rộng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng", tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia Kenichi Doi tại Viện Địa kinh tế học của Nhật Bản. Trong khi đó, trang mạng The Maritime Executive lưu ý rằng, so với các siêu nhà máy đóng tàu của một số đối thủ, việc các nhà máy đóng tàu hiện có của Nhật Bản "nhỏ và cũ hơn" chính là một bất lợi.
Theo South China Morning Post, thực trạng của ngành đóng tàu đã làm dấy lên lo ngại về an ninh ở Nhật Bản-quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động nhập khẩu bằng đường biển. Ngoài lý do bảo đảm an ninh kinh tế như Bộ trưởng Minoru Kiuchi chỉ ra, giới phân tích cho rằng sáng kiến "nhà máy đóng tàu quốc gia" còn đóng vai trò lá bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ-đồng minh duy nhất của Nhật Bản.
Về thương mại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra thời hạn mới bắt đầu áp dụng các mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới là từ ngày 1-8 tới. Chuyên gia Ben Ascione tại Đại học Waseda ở Tokyo khẳng định Nhật Bản biết rằng "họ phải làm gì đó" vì Thủ tướng Ishiba Shigeru đã tuyên bố việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Nhật Bản là "một cuộc khủng hoảng quốc gia".
![]() |
Lễ bàn giao tàu ngầm Raigei cho Lực lượng Phòng vệ trên biển được tổ chức tại một nhà máy đóng tàu của tập đoàn Kawasaki Heavy Industries ở thành phố Kobe, miền Tây Nhật Bản, tháng 3-2025. Ảnh: Kyodo News |
South China Morning Post cho biết, Tokyo hiện cũng đang lo ngại Washington sẽ sớm chuyển sự chú ý từ thương mại sang vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể yêu cầu tăng mạnh số tiền 1.060 tỷ yên chi trả cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản cho giai đoạn 2021-2026, vốn là thỏa thuận hai nước đạt được dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. "Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu tăng 8 lần hỗ trợ tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú nhưng Nhật Bản đã khéo léo kéo dài thời gian để tránh thực hiện yêu cầu đó. Sau khi ông Donald Trump rời nhiệm sở, Nhật Bản đã đồng ý tăng mức đóng góp lên một con số hợp lý", chuyên gia Ben Ascione nêu rõ.
Trên thực tế, các nhà máy đóng tàu của Mỹ hiện không thể đáp ứng nhu cầu bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) tàu chiến cũng như tàu thương mại. Trong một kế hoạch công bố hồi tháng 4-2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xác định cần phải tiếp sức cho ngành công nghiệp đóng tàu nội địa vì mục tiêu an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế. Theo South China Morning Post, vì kế hoạch trên của Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian nên Nhật Bản hy vọng có thể "tạm thời đảm nhận một phần công việc" thông qua hiện thực hóa sáng kiến "nhà máy đóng tàu quốc gia". “Mỹ hiện đang trông chờ Nhật Bản và Hàn Quốc giúp sửa chữa tàu chiến. Theo luật, các doanh nghiệp nước ngoài không được phép đóng tàu chiến nhưng họ có thể tiến hành MRO, từ đó sẽ giúp giảm sức ép đối với các nhà máy đóng tàu của Mỹ”, Giáo sư Kazuto Suzuki tại Đại học Tokyo nhận định.
HOÀNG VŨ