Lên phương án ổn định thị trường xăng dầu
Những bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông-vốn là nơi sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới-luôn có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thị trường xăng dầu trong nước đang đứng trước áp lực ổn định giá cả và bảo đảm nguồn cung. Việc theo dõi sát tình hình và chủ động điều tiết thị trường là yếu tố then chốt trong giai đoạn tới.
Nguồn cung xăng dầu vẫn được bảo đảm
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2025 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là hơn 29,517 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, xăng dầu mặt đất hơn 28,309 triệu m3/tấn; nhiên liệu hàng không hơn 1,208 triệu mét khối.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng nguồn xăng dầu chuẩn bị cho thị trường trong nước ước đạt 13,86 triệu m3/tấn, bằng 47% tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao từ đầu năm 2025. Thế nhưng, tiêu thụ thực tế đạt 12,6 triệu m3/tấn, tồn kho khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn. Những số liệu trên cho thấy, thị trường xăng dầu 6 tháng đầu năm 2025 cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ hàng hóa, phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. “Thống kê số liệu cho thấy là 47-48% kế hoạch phân giao đã được thực hiện. Điều đó cho thấy kế hoạch của chúng ta đặt ra tương đối sát và việc thực hiện kế hoạch tương đối đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận.
![]() |
Người dân mua xăng, dầu tại cửa hàng trên phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: AN SƠN |
Đối với điều hành giá, dưới sự quan sát của thương nhân đầu mối, công tác điều hành giá trong 6 tháng đầu năm của liên bộ được triển khai tốt hơn trong giai đoạn trước, việc công bố thời gian điều chỉnh giá sớm hơn, ổn định hơn giúp các thương nhân kinh doanh xăng dầu có thời gian để chủ động triển khai các công việc. Giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2025 bám sát giá xăng dầu thế giới và duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với đầu năm và so với cùng kỳ năm 2024 đã góp phần hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đủ, đúng kế hoạch phân giao
6 tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động đến việc điều hành cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế bởi cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang, nhất là khu vực Trung Đông. Hơn nữa, nhu cầu trong nước được dự báo tăng cao do chúng ta phải tăng tốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của năm nay là 8% trở lên. Cùng với đó, trong xu thế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao, nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có xăng dầu sẽ lớn hơn. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo chia sẻ, trong khoảng chục năm trở lại đây, với những kinh nghiệm đã có được sau khi chứng kiến nhiều xung đột quân sự trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đã có kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị về nguồn hàng.
Chia sẻ về vấn đề cung ứng xăng dầu, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị có khả năng cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam, cho hay, đối với nguồn sản xuất, Công ty đang sử dụng 65-70% nội địa, 30-35% nhập khẩu. Nguồn nhập khẩu từ Libya, Tây Phi nên không chịu ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị Trung Đông, bảo đảm nguồn sản xuất cho nhà máy. 6 tháng qua, Công ty đã mua đủ dầu thô cho đến hết tháng 8 với công suất 114-115% công suất thiết kế và 70% nguồn cung đến cuối năm, bảo đảm an ninh năng lượng cho nhà máy. Tương tự, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn Kazutaka Yamato chia sẻ, hiện tại, Công ty vẫn sản xuất đủ theo kế hoạch cam kết. Đến thời điểm này, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị những giải pháp ứng phó với tình hình xấu nhất có thể xảy ra.
Mục tiêu điều hành thị trường xăng dầu của Việt Nam luôn hướng tới việc bảo đảm đủ nguồn cung về xăng dầu cho thị trường trong nước trước mọi tình huống; duy trì được mặt bằng giá ổn định, bám sát giá xăng dầu thế giới; cùng với đó ổn định về hệ thống sản xuất, phân phối và hài hòa về lợi ích. Theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm, Việt Nam dự kiến nhập khẩu đạt 5,1 triệu tấn xăng dầu các loại; sản xuất đạt 7,7 triệu tấn xăng dầu các loại. Tiêu thụ nội địa đạt 7,4 triệu tấn; xuất khẩu 220.000 m3/tấn...
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo đảm được cung ứng xăng dầu như những mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, điều chỉnh kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu cho thương nhân đầu mối và phải theo dõi, kiểm tra, giám sát. "Doanh nghiệp nào thực hiện đủ, đúng kế hoạch phân giao thì giao tiếp, còn doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ giao giảm và đến kỳ sau, nếu tiếp tục không thực hiện được sẽ rà soát để xem xét rút giấy phép”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Hiện nay, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã yêu cầu các đầu mối phải cam kết thực hiện tổng nguồn tối thiểu được phân giao và thường xuyên báo cáo. Các đơn vị cũng được yêu cầu bảo đảm dự trữ thương mại theo quy định là 20 ngày lưu thông. Đồng thời, chuẩn bị mọi phương án, "tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu".
Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối tiếp cận các nguồn vốn một cách thuận lợi với lãi suất phù hợp để hoạt động ổn định trong mọi tình huống về kinh doanh xăng dầu. Còn về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và các đơn vị cần chủ động phối hợp với Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để làm rõ cơ chế, xem xét đề xuất mặt hàng xăng dầu dự trữ chính là tài sản bảo đảm cho các khoản vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối giữ được lượng dự trữ xăng dầu theo đúng quy định.
VŨ DUNG