Chủ động phối hợp cơ quan liên ngành, đẩy mạnh đấu tranh với hàng giả, hàng nhái
Lực lượng Quản lý thị trường không ngừng nâng cao năng lực, chủ động phối hợp cơ quan liên ngành đẩy mạnh đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.
6 tháng đầu năm, xử lý gần 10.000 vụ vi phạm
Tại tọa đàm: “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 10/7, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử và mạng xã hội mở ra những cơ hội chưa từng có về mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, song song với đó là sự gia tăng nhanh chóng của các hành vi lợi dụng công nghệ để sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là lan truyền thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, tổn hại đến doanh nghiệp chân chính.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: BTC
"Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ còn giới hạn ở các hình thức truyền thống mà ngày càng mở rộng và ẩn mình tinh vi trên môi trường số. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để phân phối hàng hóa không rõ nguồn gốc, tạo lập tài khoản ảo, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để trục lợi bất chính. Nhiều vụ việc doanh nghiệp bị tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ thương hiệu nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn phát tán và xử lý theo pháp luật", ông Nguyễn Thành Nam đánh giá.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã không ngừng nâng cao năng lực, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và chủ động phối hợp liên ngành để đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Chỉ tính riêng trong Tháng cao điểm phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 3.891 vụ; phát hiện, xử lý 3.114 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý trên 63 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 32 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 31 tỷ đồng (trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy gần 21 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ xử lý gần 10 tỷ đồng); thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024).
Tính chung trong 6 tháng năm 2025, lực lượng kiểm tra Quản lý thị trường đã kiểm tra 11.568 vụ; xử lý 9.919 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 266 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 121 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.
“Các kết quả này góp phần khẳng định vai trò tuyến đầu của lực lượng Quản lý thị trường trong việc giữ gìn sự minh bạch, công bằng của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thành Nam khẳng định.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm điển hình
Cũng theo ông Nguyễn Thành Nam, trong tổng số gần 10.000 vụ phạm vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý, phải kể một số vụ điển hình như: Ngày 20/5/2025, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang tại các tuyến phố du lịch trung tâm TP. Đà Nẵng và tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Gucci, Dior… Tiếp đến, ngày 26/5/2025, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở sản xuất tất chân giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu tại La Phù, Hà Nội – vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an điều tra.
Ngày 29/5/2025, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra Saigon Square - TP. Hồ Chí Minh thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng thế giới, hoạt động giám sát tại Trung tâm này vẫn đang tiếp tục được thực hiện đến nay. Ngày 09/6/2025, phối hợp Công an TP. Hà Nội kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…
Lực lượng Quản lý thị trường trong lần kiểm tra, kiểm soát tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Sỹ Đồng
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường vẫn còn gặp không ít khó khăn và bất cập trong quá trình thực thi. Trong đó, phải kể đến chế tài xử phạt còn nhẹ so với lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.
Hệ thống pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ - các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, thông tin giả mạo khiến việc xác minh, truy xuất rất phức tạp; Thông tin giả mạo lan truyền nhanh nhưng việc xác định trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian còn nhiều khoảng trống pháp lý; giám định hàng giả mất thời gian, chi phí cao, làm chậm tiến độ xử lý vi phạm…
Ngoài ra, nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới, đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp quốc tế chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước kiến nghị, trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử phạt hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả trong môi trường số theo hướng tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe thực sự.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề về kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường...
Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm, sai lệch; rút ngắn quy trình giám định hàng vi phạm, thiết lập cơ chế “giám định nhanh” để kịp thời phục vụ điều tra, xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thị trường, từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, hệ thống truy xuất nguồn gốc, đến cảnh báo sớm vi phạm; tăng cường phối hợp quốc tế, đặc biệt với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Amazon… để xử lý các hành vi mang yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, tập trung rà soát, quản lý địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
"Việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả mạo không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng Quản lý thị trường, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và đặc biệt là các nền tảng công nghệ - nơi đang trực tiếp vận hành không gian thương mại mới", ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước kiến nghị.