Quy hoạch điện VIII có thể điều chỉnh tăng nhu cầu điện tới 75%
Chiều 12/2, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và các ủy viên Hội đồng thẩm định; đại diện các bộ, ngành là thành viên của Hội đồng; các chuyên gia phản biện…
![]() |
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Tô Xuân Bảo báo cáo tại cuộc họp |
Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Tô Xuân Bảo cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 261/QĐ-TTg ngày 11/2 về việc thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 28/2/2025, bảo đảm tuân thủ các quy trình, thủ tục pháp luật về quy hoạch và điện lực.
Theo ông Tô Xuân Bảo, việc tham vấn ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành và cơ quan liên quan là bước quan trọng nhằm bảo đảm tính toàn diện và chặt chẽ của đề án. Trên tinh thần vừa triển khai, vừa đánh giá, buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Hội đồng theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng.
Sớm hoàn thiện trình Chính phủ
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh mục tiêu quan trọng về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch năng lượng bền vững trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2025-2050. Theo Bộ trưởng Công Thương, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5-3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để bảo đảm nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.
3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.
Song song với việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã hoàn tất việc sửa đổi Luật Điện lực - một bước ngoặt quan trọng sau 20 năm thi hành. Lần sửa đổi này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng mới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Luật Điện lực sửa đổi đã được thảo luận, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội, với thời gian chuẩn bị chỉ 8-9 tháng, thay vì 22 tháng như quy trình thông thường.
Để triển khai Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới. Những văn bản này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt việc xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thành và được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, đến các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo quy định, trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt, dự thảo sẽ được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, việc hoàn thiện và thực hiện Quy hoạch điện VIII sửa đổi sẽ là bước đột phá quan trọng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khuyến nghị sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí để khởi động các dự án quan trọng như: Điện khí Lô B và Nhơn Trạch. Dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ do thiếu hợp đồng mua bán điện hoàn chỉnh.
Ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn. Một trong những vấn đề lớn được ông Ngô Tuấn Kiệt đề cập là sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền. Hiện tại, miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung - dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo - lại chưa được khai thác đúng mức. Ông Ngô Tuấn Kiệt đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tăng trưởng điện có thể lên tới 75%
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến sau: Về dự báo tăng trưởng, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ban thẩm định đưa ra kịch bản nhu cầu điện tăng tới 75%. |
“Vì chúng ta đặt ra năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Như vậy kịch bản cơ sở phải để là 45-50% và kịch bản cao từ 60-65% so với hiện nay và kịch bản cực đoan là 70-75%”, Bộ trưởng chỉ ra.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các phản biện từ tư duy phát triển về điện cũng như tư duy phát triển kinh tế. “Càng những nơi kém lợi thế khi ứng dụng công nghệ vào thì đấy lại là nơi có lợi thế để phát triển. Có thể kể đến như hình thành các trung tâm dữ liệu ở khu vực miền Trung hay hình thành những tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch ở khu vực miền Trung thì miền Trung sẽ phát triển. Khi miền Trung kinh tế phát triển, đồng thời chúng ta cũng sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên của miền Trung để phát triển năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng nói.
Về nguồn, Bộ trưởng cho biết, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.
Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.
Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.
Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau bảo đảm tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Cụ thể: năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.238-1.375 tỷ kWh; Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360-1.511 tỷ kWh. |
Bùi Công