Lời giải cho an ninh năng lượng: Góc nhìn từ Đà Nẵng
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng, coi đây là nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững.
Ngành năng lượng đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi nguồn cung ổn định và chi phí hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tham luận tại Diễn đàn "Phát triển năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa diễn ra tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, việc bảo đảm an ninh năng lượng cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư vào ngành này có dấu hiệu sụt giảm, tạo áp lực lớn lên hệ thống cung ứng.
Đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam cần hướng tới các mô hình năng lượng sạch và bền vững. Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 11/02/2020, đặt ra lộ trình phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2045 với các mục tiêu cụ thể: tổng công suất nguồn điện đạt 125-130 GW vào năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung đạt 15-20%, và phát thải khí nhà kính giảm 15% so với kịch bản thông thường.
![]() |
An ninh năng lượng là nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững. - Ảnh minh hoạ |
Nghị quyết cũng khuyến khích phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, loại bỏ bao cấp, độc quyền, đồng thời thu hút sự tham gia của kinh tế tư nhân. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những thách thức lớn và lộ trình vượt qua
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt khi cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, để hiện thực hóa cam kết này, Việt Nam cần một lộ trình chuyển đổi toàn diện từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, bền vững. Tuy nhiên, thách thức đầu tiên là phải đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và chi phí hợp lý cho toàn dân, trong khi vẫn giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Theo Ngân hàng Thế giới, lộ trình khử carbon đòi hỏi Việt Nam cần huy động nguồn tài chính khổng lồ, lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.
Một thách thức khác đang hiện hữu là nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu điện thương phẩm của Việt Nam dự kiến tăng 8% mỗi năm từ 2021 đến 2030. Đến năm 2025, điện thương phẩm ước đạt 337,5 tỷ kWh và sẽ tăng lên 478,1 tỷ kWh vào năm 2030. Tuy nhiên, so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, sản lượng này vẫn thấp hơn đáng kể, dẫn đến nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. Thực tế, năm 2023, nhiều địa phương ở miền Bắc đã phải đối mặt với tình trạng cắt điện trên diện rộng do thiếu nguồn cung.
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Để sản xuất ra 1.000 USD, Việt Nam tiêu thụ tới 700 kWh điện, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển. Mặc dù sở hữu nguồn năng lượng phong phú và đa dạng, nước ta vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng trên đầu người thấp, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế.
Thiếu tính đa dạng trong các nguồn năng lượng cũng là vấn đề cần giải quyết. Hệ thống điện Việt Nam hiện có công suất lắp đặt 80.704 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ thuộc vào nhiệt điện than và thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt là 32,3% và 28,5%. Điện gió và điện mặt trời dù đang phát triển mạnh nhưng công suất còn hạn chế, chưa đủ để bù đắp cho các nguồn năng lượng truyền thống.
Đặc biệt, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Từ năm 2015, nước ta chính thức trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng thuần, với xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2050. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019, đến năm 2050, lượng nhập khẩu nhiên liệu có thể tăng gấp 8 lần so với năm 2019, chiếm tới 75% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện, dầu và khí dần cạn kiệt, trong khi việc khai thác các mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ khai thác than còn lạc hậu, điều kiện khai thác ngày càng phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất.
Việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời đã giúp giảm áp lực nguồn cung, song cũng gây ra tình trạng mất cân đối trong vận hành hệ thống do số giờ hoạt động thực tế của các nguồn tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 so với nhiệt điện truyền thống.
Tất cả những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược cân đối giữa phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng bền vững. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện các cam kết quốc tế và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, ngoài các yếu tố truyền thống, nhiều nguy cơ phi truyền thống đang đe dọa an ninh năng lượng. Khả năng khủng bố nhằm vào các công trình trọng điểm như trạm biến áp 500kV, đường dây truyền tải cao áp hay các nhà máy điện lớn là rủi ro hiện hữu. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu và các dịch bệnh như Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm sút. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện giai đoạn 2020-2023 giảm mạnh so với giai đoạn 2016-2019, đặc biệt năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng âm về điện thương phẩm. Nếu không có chiến lược dài hạn và chính sách giá phù hợp, nguy cơ mất cân đối cung cầu năng lượng sẽ tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Giải pháp cấp bách trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức từ biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề sống còn, giữ vai trò nền tảng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường an ninh năng lượng, trong đó ưu tiên các chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và hoàn thiện cơ chế giá điện theo hướng thị trường.
![]() |
Nhà máy điện gió Dlieyang, thuộc huyện huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. - Ảnh minh hoạ |
Tiết kiệm năng lượng luôn là giải pháp hàng đầu bởi chi phí đầu tư cho lĩnh vực này thấp hơn nhiều so với việc phát triển nguồn cung mới. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua từ năm 2010, tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Ngân hàng Thế giới, ngành công nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm từ 25% đến 40% năng lượng nếu áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và chính sách phù hợp.
Ông Quảng đề xuất cần chuyển từ khuyến khích tự nguyện sang bắt buộc doanh nghiệp thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, kết hợp cơ chế thưởng – phạt rõ ràng. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong ngành cơ khí và sản xuất sản phẩm phụ trợ, để giảm tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường.
Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do vậy, lập kho dự trữ năng lượng là cần thiết để ứng phó với các tình huống gián đoạn nguồn cung hoặc bất ổn trong khu vực.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và thay thế, như thủy điện, năng lượng mặt trời, sinh khối và địa nhiệt, sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, hướng đến xây dựng nền năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng là thực hiện chính sách giá điện phù hợp. Ông Quảng nhấn mạnh, cần tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất và phân phối điện theo cơ chế thị trường nhằm tạo nguồn lực tái đầu tư cho ngành năng lượng. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng mức giá bán lẻ điện riêng cho khu vực đô thị và nông thôn, bảo đảm công bằng hơn giữa các vùng.
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam phải nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu rủi ro từ thiên tai, bất ổn môi trường. Các giải pháp quản trị năng lượng bao gồm cơ cấu lại ngành tiêu thụ, phát triển nguồn lực từ xã hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đầu tư vào các dự án năng lượng ở nước ngoài nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định.
Ngoài ra, ông Quảng nhấn mạnh vai trò của khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc giúp ngành năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là giải pháp cốt lõi để bảo đảm an ninh năng lượng trong mọi tình huống.
Theo đó, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên. An ninh năng lượng không chỉ bảo đảm sự phát triển kinh tế, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
Trong tương lai, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển năng lượng nhanh và bền vững, song song với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn liền với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới. |