Phú Yên đề xuất giải pháp phát triển năng lượng tái tạo
Phú Yên với điều kiện tự nhiên thuận lợi đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm sáng trong phát triển năng lượng tái tạo.
Cơ hội lớn
Năng lượng điện giữ vai trò cốt lõi trong mọi lĩnh vực đời sống và phát triển kinh tế. Với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên, lượng khí thải nhà kính sẽ ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Trước thực trạng này, thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Đây không chỉ là một mục tiêu mà còn là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.
Tỉnh Phú Yên có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa |
Tham luận tại "Diễn đàn Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra mới đây, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: “Phú Yên với điều kiện tự nhiên thuận lợi đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm sáng trong phát triển năng lượng xanh”.
Theo Quy hoạch Phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung Bộ và báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phú Yên có tốc độ gió trung bình 5-7 m/s ở độ cao 60-100m, số giờ nắng dao động từ 2.000-2.500 giờ mỗi năm với cường độ bức xạ 4,5-5,5 kWh/m²/ngày. Những yếu tố này mang lại tiềm năng lớn cho các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Phú Yên hiện có 4 nhà máy chế biến đường với diện tích vùng nguyên liệu mía khoảng 27.000 ha, tổng công suất chế biến đạt 15.700 tấn mía/ngày. Lượng bã mía thải ra từ các nhà máy này là nguồn sinh khối quan trọng để phát triển các dự án điện sinh khối.
Cùng với đó đến nay, Phú Yên có 13 nhà máy điện, tất cả đều sử dụng năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt đạt 990,3 MW, gồm 6 nhà máy thủy điện (391 MW), 6 nhà máy điện mặt trời (463,3 MW) và 1 nhà máy điện sinh khối (30 MW). Ngoài ra, 1.156 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 106 MW cũng đã đi vào hoạt động, cung cấp mỗi năm khoảng 2.300 triệu kWh điện sạch lên lưới điện quốc gia.
Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Phú Yên không chỉ giúp giảm phát thải CO₂, giảm hiệu ứng nhà kính mà còn đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, các dự án này đã tạo việc làm cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập và đóng góp khoảng 650 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, các nhà máy thủy điện còn hỗ trợ cắt giảm lũ vào mùa mưa, cung cấp nước tưới vào mùa khô, trong khi hệ thống điện sinh khối giúp giảm lượng chất thải nông nghiệp. Hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ tận dụng không gian mà còn chống nóng hiệu quả cho các công trình, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, tạo nên bước phát triển bền vững cho địa phương.
Cần thêm nhiều trợ lực
Chỉ ra nhưng thuận lợi và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, ông Lê Tấn Hổ khẳng định, Phú Yên sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi với bờ biển dài 189 km, tốc độ gió trung bình trên 7 m/s, cùng nguồn sinh khối dồi dào – những yếu tố lý tưởng cho phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện và điện sinh khối. Tuy nhiên, công suất được phân bổ cho các dự án này còn rất hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực điện gió ngoài khơi và điện sinh khối hoàn toàn chưa được đưa vào kế hoạch phát triển.
Ông Lê Tấn Hổ cho biết, tỉnh đã tích cực kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên, nơi được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu và năng lượng. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu phát triển các dự án lớn như nhà máy sản xuất thép, nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất hydro xanh, với nhu cầu sử dụng điện ước tính khoảng 1.000 MW.
"Theo đó, cơ quan liên quan rà soát và bổ sung thêm công suất nguồn các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an ninh năng lượng"- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên đề xuất.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng đề xuất sớm được phân bổ công suất điện gió ngoài khơi, bởi theo Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật của nguồn năng lượng này lên tới 600.000 MW, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào được giao phát triển dự án cụ thể. Việc đẩy mạnh các dự án điện gió ngoài khơi sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tiềm năng này.
Về hạ tầng lưới điện, ông Lê Tấn Hổ nhìn nhận, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện cần đồng bộ với hệ thống truyền tải nhằm giải tỏa công suất. Ông kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây truyền tải trên địa bàn tỉnh, bao gồm xây dựng mới đường dây 500 kV Bình Định – Vân Phong, cải tạo đường dây 220 kV Tuy Hòa – Quy Nhơn bằng dây siêu nhiệt, và xây dựng mới các tuyến 220 kV Tuy Hòa – Phước An, Sông Ba Hạ – Krông Buk. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nghiên cứu chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giảm áp lực vốn cho ngành điện.
Một trong những vấn đề được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên đặc biệt lưu ý là xử lý môi trường trong các dự án năng lượng tái tạo. Thực tế, nhiều tấm quang điện đã bị hư hỏng sau thời gian vận hành nhưng chưa có quy định cụ thể về xử lý loại chất thải này, gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị cần sớm ban hành hướng dẫn về xử lý chất thải từ các nhà máy điện tái tạo, đặc biệt là các tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định, phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi chiến lược, không chỉ giúp Phú Yên khai thác tối đa lợi thế sẵn có mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế bền vững. Việc tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng xanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và đảm bảo an ninh năng lượng cho thế hệ tương lai.
Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Địa hình Phú Yên thấp dần từ Tây sang Đông với tổng lượng dòng chảy trung bình khoảng 13,5 tỷ m³/năm, trong đó 5,6 tỷ m³ sinh ra trong nội tỉnh và 7,9 tỷ m³ từ các tỉnh lân cận đổ về. Tỉnh có 17 con sông lớn nhỏ với diện tích lưu vực từ 100 đến 500 km², tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án thủy điện. |