Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Hoàn thiện bản đồ điện lực chiến lược quốc gia
Với tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh mở ra hướng đi chiến lược, định hình hệ sinh thái năng lượng tại Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với tầm nhìn dài hạn là kết quả của sự lãnh đạo quyết liệt, toàn diện và sâu sát của Đảng bộ Bộ Công Thương mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và kế hoạch hằng năm theo tinh thần các Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều văn kiện chiến lược dài hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Ảnh: Cấn Dũng
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.Đáng chú ý, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025.
Theo đó, năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế cần một động lực bứt phá để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã được ban hành là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược và tinh thần hành động kịp thời của Bộ Công Thương.
Với tư duy “điện đi trước một bước”, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã khẳng định điện lực không còn là ngành cung ứng năng lượng đơn thuần mà trở thành hạ tầng cốt lõi, dẫn dắt chuyển đổi xanh, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Một điểm nhấn xuyên suốt là sự chỉ đạo nhất quán của Đảng ủy Bộ Công Thương, yêu cầu Quy hoạch điện VIII phải tối ưu tổng thể: Không tách rời giữa nguồn điện và lưới truyền tải, không phân biệt đầu tư công - tư, không tách lợi ích kinh tế khỏi trách nhiệm môi trường, xã hội.
Đây là bước chuyển từ tư duy “đầu tư từng mảnh” sang “thiết kế hệ sinh thái điện lực”, nơi từng MW công suất được cân nhắc kỹ càng để phù hợp cơ cấu phụ tải và chi phí xã hội.Ngành điện đã cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đạt được nhiều kết quả tích cực, với tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia vượt mốc 99%. Thành tựu này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN và xếp hạng thứ 30 thế giới về mức độ phát triển hạ tầng ngành điện tính đến năm 2024.
Hoàn thiện bản đồ điện lực chiến lược quốc gia
Với mục tiêu tổng quát của quy hoạch là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học - công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
Do đó, lần đầu tiên, một bản quy hoạch điện được xây dựng với tiếp cận đồng bộ, từ phát triển nhà máy, trạm biến áp, lưới điện thông minh, giải pháp lưu trữ năng lượng cho đến các microgrid phục vụ vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng tiềm năng điện gió ngoài khơi, đẩy mạnh điện mặt trời mái nhà, từng bước phát triển hydrogen xanh vànăng lượng tái tạo các mô hình lưu trữ năng lượng quy mô lớn đã tạo nền tảng cho hình thành hệ sinh thái tại Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh không chỉ nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của nhà nước trong điều tiết thị trường điện, mà còn mở rộng không gian cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng vào phát triển nguồn điện sạch.
Đồng thời, trong định hướng chiến lược, cơ quan xây dựng quy hoạch đã lồng ghép yếu tố công bằng xã hội, bảo đảm người dân ở vùng sâu, vùng xa không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi và doanh nghiệp nhỏ không bị thiệt thòi vì thiếu hụt nguồn cung điện.
Do vậy, các chính sách về giá điện, phát triển lưới điện thông minh và hỗ trợ kỹ thuật được xây dựng để bảo đảm sự cân bằng giữa hấp dẫn đầu tư và bảo vệ nhóm yếu thế. Những chính sách này góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng công bằng và định hình trong chính sách phát triển năng lượng quốc gia.
Đây chính là những mắt xích chủ chốt giúp “bản đồ chiến lược” đảm bảo triển khai trong thực tế một cách toàn diện, bảo đảm cung ứng điện ổn định với chi phí hợp lý.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh ngày 28/4/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: Việc phê duyệt quy hoạch là dấu mốc quan trọng, song điều tiên quyết là phải tổ chức thực thi nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả - bảo đảm không để đứt gãy nguồn cung ứng điện.
Ngay sau phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương cập nhật danh mục dự án nguồn và lưới điện vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng tập trung nguồn lực và chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện đã được giao.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là minh chứng cho khả năng hoạch định chiến lược và quyết tâm hội nhập sâu rộng của Bộ Công Thương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển.