Điện hạt nhân châu Âu kỳ vọng đạt bước tiến mạnh mẽ
Các tín hiệu tích cực từ Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới đang thắp lên kỳ vọng cho ngành năng lượng hạt nhân, khi Brussels (Bỉ) mở rộng đối thoại.
Theo trang Nucnet đưa tin ngày 22/5, ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới và kỳ vọng vào sự đồng hành lâu dài của EU trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh.
![]() |
Ông Emmanuel Brutin, Tổng giám đốc Nucleareurope cho rằng, châu Âu đang có hướng đi tích cực đối với điện hạt nhân. Ảnh: Nucnet |
Tín hiệu cởi mở từ Brussels
Theo ông Emmanuel Brutin, Tổng giám đốc Nucleareurope, tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu đặt trụ sở tại Brussels (Bỉ), Ủy ban châu Âu đang thể hiện sự cởi mở rõ rệt hơn trong việc tiếp cận và đối thoại với ngành hạt nhân.
“Ủy ban hiện nay có thái độ sẵn sàng trao đổi và lắng nghe các đề xuất từ phía chúng tôi. Tuy nhiên, điều quan trọng là, EC cần thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn trong việc duy trì sự trung lập về công nghệ và chủ động hỗ trợ năng lượng hạt nhân như một phần của giải pháp cho quá trình khử carbon”, ông Emmanuel Brutin chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với NucNet.
Trong những năm gần đây, ngành hạt nhân đã ghi nhận một số bước tiến quan trọng về chính sách ở cấp độ EU. Năng lượng hạt nhân đã được công nhận trong danh mục đầu tư bền vững, một hệ thống phân loại do EU xây dựng để định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hạt nhân cũng được đưa vào Đạo luật Công nghiệp trung hòa carbon (Net-Zero Industry Act), khung chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ sản xuất sạch tại châu Âu.
Đối thoại toàn diện, hợp tác toàn ngành
Một minh chứng khác cho sự thay đổi tích cực là cuộc đối thoại bàn tròn do Ủy viên năng lượng Dan Jorgensen tổ chức đầu tháng 4 năm nay. Sự kiện đã quy tụ đông đảo các bên liên quan trong ngành năng lượng hạt nhân, từ các công ty điện lực, nhà cung cấp thiết bị, đến các đơn vị xử lý chất thải trong một không gian trao đổi cởi mở, mang tính xây dựng cao.
"Chúng tôi đã có sự hiện diện của toàn bộ chuỗi giá trị. Đó là điều rất khó xảy ra cách đây 5 năm", ông Emmanuel Brutin nhấn mạnh. Theo ông, chính sự tham gia đầy đủ này thể hiện sự đồng thuận ngày càng lớn trong ngành và tạo nền tảng vững chắc cho các bước tiến mới trong chính sách năng lượng châu Âu.
Một trong những trọng tâm hiện nay của Brussels là Thỏa thuận công nghiệp sạch (Clean Industrial Deal), sáng kiến được EU công bố vào tháng 2/2025, nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của công nghiệp châu Âu, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu khử carbon. Kế hoạch này bao gồm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ sạch, hạ giá năng lượng công nghiệp và xây dựng châu Âu trở thành trung tâm sản xuất bền vững hàng đầu thế giới.
Với quy mô ngân sách lên tới 100 tỷ Euro, thỏa thuận này tạo ra nhiều cơ hội cho tất cả các nguồn năng lượng sạch, trong đó có năng lượng hạt nhân, thông qua các ưu đãi tài chính, quy định đơn giản hóa và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Song song với đó, EU cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng Khung tài chính đa niên (MFF) mới - kế hoạch ngân sách dài hạn cho cả khối trong 7 năm tới. Đây là một trong những công cụ then chốt để phân bổ nguồn lực cho các ưu tiên chính sách của EU, bao gồm cả năng lượng, công nghiệp, quốc phòng và chuyển đổi xanh.
Ông Emmanuel Brutin cho biết, Nucleareurope đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan để đảm bảo rằng các quỹ hiện tại và tương lai của EU, bao gồm Quỹ cạnh tranh châu Âu (EU Competitiveness Fund) dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hạt nhân tiếp cận nguồn vốn cần thiết cho các dự án phát triển dài hạn.
"Chúng tôi thực sự hy vọng phần lớn các quỹ hiện tại và tương lai sẽ mở rộng phạm vi cho ngành hạt nhân", ông Emmanuel Brutin nói.
Theo phân tích của Nucleareurope, châu Âu có tiềm năng xây dựng thêm khoảng 40 GW công suất lò phản ứng mới từ nay đến năm 2050, nâng tổng công suất năng lượng hạt nhân của khu vực lên khoảng 140 GW, so với mức 100 GW hiện nay. Điều này không chỉ góp phần quan trọng vào mục tiêu trung hòa carbon mà còn tăng cường an ninh năng lượng cho toàn khối.
Ông Emmanuel Brutin nhấn mạnh rằng, châu Âu sở hữu một chuỗi giá trị hạt nhân hoàn chỉnh ngay trong nội khối, từ thiết kế, xây dựng, nhiên liệu đến xử lý chất thải. Đây là yếu tố chiến lược quan trọng, nhất là trong bối cảnh địa chính trị hiện tại.
“Chúng tôi không chỉ có năng lực, mà còn có sự tự chủ, điều mà bất kỳ chính sách quốc phòng hay an ninh năng lượng nào cũng đều cần đến”, đại diện của Nucleareurope nhận định.
Một điểm nhấn khác là việc Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) vừa cấp khoản vay hỗ trợ cho công ty hạt nhân Orano (Pháp) mở rộng năng lực làm giàu nhiên liệu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành, thể hiện sự quan tâm ngày càng rõ nét của các thể chế tài chính EU đối với lĩnh vực này.
Phát triển các công nghệ tiên tiến
Bên cạnh các dự án quy mô lớn, ngành hạt nhân châu Âu cũng đang tích cực nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và nhiệt hạch. Tài liệu Pinc (Chương trình Hạt nhân minh họa) do Ủy ban châu Âu chủ trì, dự kiến công bố vào mùa hè 2025, sẽ đóng vai trò định hướng cho các khoản đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực hạt nhân giai đoạn tới.
Theo ông Emmanuel Brutin, dù tài liệu này mang tính mô tả, nhưng cần có những khuyến nghị rõ ràng và khả thi để thúc đẩy triển khai thực tế, bởi Pinc không chỉ nên là bản tổng quan, mà phải là chất xúc tác cho hành động.
Ngoài ra, một trong những chiến lược quan trọng của Nucleareurope là tăng cường kết nối với các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, hóa chất… nhằm tìm ra tiếng nói chung trong các cuộc vận động chính sách.
“Các ngành công nghiệp này không quan tâm điện đến từ nguồn nào, hạt nhân hay tái tạo, miễn là có thể cung cấp ổn định 24/7, chi phí hợp lý và không phát thải. Đó chính là điểm chung để chúng tôi hợp tác và cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững”, ông Emmanuel Brutin nhận định.
Hội nghị thường niên của Nucleareurope sẽ diễn ra vào ngày 4 - 5/6 tại Brussels (Bỉ), quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách hàng đầu. Sự kiện sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề quan trọng như chủ quyền năng lượng, an ninh cung ứng, trung hòa carbon và vai trò của công nghệ đổi mới trong tương lai năng lượng châu Âu.
Với nhiều tín hiệu tích cực từ cả chính sách, tài chính lẫn công nghệ, ngành năng lượng hạt nhân châu Âu đang đứng trước cơ hội lớn để đóng góp tích cực vào chiến lược tăng trưởng xanh, củng cố vị thế chiến lược của EU và đảm bảo nguồn điện ổn định, sạch và bền vững. |