Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 661,8 triệu USD
Tính chung trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm đã thu về cho Việt Nam hơn 661,8 triệu USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói và thảm trong tháng 11/2023 thu về hơn 65,3 triệu USD, tăng 13,8% so với tháng trước đó.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm, nhóm hàng này đã thu về cho Việt Nam hơn 661,8 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm so với năm 2022 đang dần thu hẹp qua mỗi tháng cho thấy sự khởi sắc trong xuất khẩu.
Thông tin trên Công Thương, xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 11, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm sang Mỹ đã thu về hơn 22,5 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 30,3% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 248 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỉ trọng 37,43%.
Xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản. Tháng 11, nước này nhập khẩu gần 7 triệu USD, giảm 7,4% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm sang Nhật Bản thu về hơn 66,2 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỉ trọng 10,02%.
Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam ở lĩnh vực này khi thu về gần 34 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỉ trọng 5,25%.
Không chỉ vậy, nhiều thị trường đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam với mức tăng trưởng đột biến trong tháng 11 như Ba Lan (138%), Đan Mạch (200%), Pháp (101%)... Hầu hết đều đến từ khu vực châu Âu, điều này cho thấy chất liệu thân thiện với môi trường, mẫu mã đẹp, đa năng giúp các sản phẩm từ mây, tre, cói Việt được nhiều quốc gia khó tính ưa chuộng.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn trên thế giới. Trong những năm vừa qua, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre lá của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hàng mây tre lá luôn được duy trì 8-10% mỗi năm.
Các sản phẩm mây tre lá của Việt Nam đến nay đã có mặt ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo thu nhập và việc làm cho khoảng 350.000 lao động ở vùng nông thôn và miền núi, đặc biệt là tạo việc làm và thu nhập cho lao động nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo Dân trí, tại tọa đàm "Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các sản phẩm từ mây tre lá đang được thị trường ưa chuộng. Triển vọng lĩnh vực mây tre lá, hàng thủ công mỹ nghệ nói chung đang phát triển rất tốt. Nếu giữ chất lượng sản phẩm và tay nghề thì có thể kỳ vọng thúc đẩy đến năm 2025, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 4-6 tỷ USD.