Nỗ lực hàn gắn quan hệ Mỹ - Nam Phi
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang có chuyến thăm Mỹ nhằm cài đặt lại quan hệ với Washington cũng như đàm phán các thỏa thuận thương mại then chốt. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng ngày 21-5 đã chứng kiến những giây phút căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cáo buộc người da trắng Nam Phi phải chịu nạn diệt chủng-điều mà Tổng thống Ramaphosa nhất mực phủ nhận.
Theo Reuters, ông Trump đã bày tỏ lo ngại về cách đối xử với người da trắng ở Nam Phi. Thậm chí ông còn cho trình chiếu đoạn video và đưa ra các tờ báo in mà ông nói là bằng chứng cho những cáo buộc về cái gọi là “cuộc đàn áp” người da trắng ở Nam Phi.
Đáp lại, ông Ramaphosa đã bình tĩnh bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống nước chủ nhà. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn phản đối điều đó. Đây không phải là chính sách của chính phủ Nam Phi”. Ông cũng thừa nhận có tội phạm ở Nam Phi, song khẳng định phần lớn nạn nhân là người da màu.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) trao đổi cùng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng, ngày 21-5. Ảnh: Reuters. |
Để chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Ramaphosa đã khéo léo lựa chọn đội ngũ tháp tùng gồm tỷ phú Johann Rupert và những tay golf nổi tiếng người da trắng của Nam Phi. Tổng thống Ramaphosa đã mời những người này lên tiếng về thực trạng của người da trắng ở Nam Phi. Ông tin tưởng suy nghĩ của Tổng thống Donald Trump về Nam Phi đã bắt đầu thay đổi, dù thừa nhận điều đó có thể sẽ là "một quá trình".
Căng thẳng Nam Phi-Mỹ gia tăng kể từ khi ông Ramaphosa ký ban hành Đạo luật Tịch thu vào tháng 1-2025, đạo luật mà ông Trump chỉ trích là "phân biệt đối xử" với người da trắng. Mỹ sau đó đã cắt giảm viện trợ cho Nam Phi, cũng như trục xuất Đại sứ Nam Phi Ebrahim Rasool. Nam Phi đã phản đối các cáo buộc của Mỹ, khẳng định lệnh hành pháp đóng băng viện trợ “không phù hợp về mặt thực tế và không thừa nhận lịch sử đau thương của Nam Phi về chủ nghĩa thực dân và chế độ phân biệt chủng tộc".
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Phi, nhưng Nam Phi đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu lên đến 30% khi đưa hàng vào thị trường Mỹ. Chính vì vậy, chuyến thăm Washington lần này của Tổng thống Ramaphosa ngoài mục đích “khơi thông” điểm nghẽn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thì còn nhắm tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác về thương mại và kinh tế.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, Tổng thống Ramaphosa cho biết cuộc đàm phán giữa ông với ông Trump-tập trung vào thương mại và đầu tư-diễn ra tốt đẹp. Hai bên đã bắt đầu trao đổi về hợp tác thương mại và các lĩnh vực song phương khác. Ông cũng cố gắng thuyết phục Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Nam Phi vào tháng 11 tới. Nam Phi sẽ trao lại Quyền Chủ tịch luân phiên của G20 cho Mỹ vào năm 2026. Ngoài ra, Tổng thống Ramaphosa tiết lộ Nam Phi và Mỹ sẽ thảo luận về việc hợp tác khai thác kim loại đất hiếm trong thời gian tới.
Trước khi lên đường về nước, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh của Nam Phi Parks Tau cho biết chính phủ đã đề xuất một thỏa thuận thương mại mới trong cuộc hội đàm với phía Mỹ. Đề xuất bao gồm việc mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ nền kinh tế số 1 thế giới. Theo Bộ trưởng Parks Tau, Washington đã đón nhận tích cực đề xuất này.
Chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Ramaphosa diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nam Phi đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Chuyến thăm thể hiện rõ mong muốn hàn gắn quan hệ song phương dựa trên lợi ích chung từ phía Nam Phi. Tuy rằng, một số chuyên gia nhận định hành động gây áp lực của ông Trump đối với Tổng thống Ramaphosa có thể phản tác dụng về mặt ngoại giao, đẩy Nam Phi xa rời Mỹ vào thời điểm mà sự cạnh tranh từ Trung Quốc và Nga để giành ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng.
NGỌC HÂN