Doanh nghiệp "đằng sau" Đại bảo tháp Kinh luân dát vàng lớn nhất thế giới, chứa hơn một tỷ câu chú đặt tại Lâm Đồng
Đại bảo tháp Kinh luân dát vàng 24k chứa hơn một tỷ câu chú nằm tại khu du lịch Samten Hills Dalat do Kim Phát làm chủ. Đằng sau đó là nữ tướng sữa của VPMilk.
Đại bảo tháp Kinh luân dát vàng 24k chứa hơn một tỷ câu chú Om Mani Padme Hum
Ngày 7/3/2023, khu du lịch Samten Hills Dalat (ở xã Tu Tra, H.Đơn Dương, Lâm Đồng), chính thức tổ chức lễ đón nhận kỷ lục lớn nhất thế giới cho công trình Đại bảo tháp kinh luân, được làm bằng đồng, dát vàng 24k nằm trong không gian văn hóa tâm linh phật giáo Kim cương thừa.
Các thông tin giới thiệu về đại bảo tháp này cho biết, Đại bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek có chiều cao 37,22m, đường kính 16,53m, làm bằng đồng, dát vàng 24k.
Theo bà Sonia Ushirogochi - Chuyên gia thẩm định chính thức của Guinness World Records, tiêu chuẩn của đại bảo tháp là phải được làm từ một “bánh xe” hình trụ chứa đầy kinh sách bên trong, Kinh luân phải xoay được bằng sức người hoặc sức nước hay bằng các phương tiện khác…
Trong bánh xe cầu nguyện là hơn một tỷ câu chú Om Mani Padme Hum được in lên giấy lụa mỏng và các phẩm vật cát tường như Xá lợi của Phật, Xá lợi của các vị Thánh tăng.
Đằng sau Đại bảo tháp này, cũng như khu du lịch Samten Hills Dalat là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát.
Tuy nhiên, sau lễ khánh thành, có những thông tin cho rằng Samten Hills Dalat là dự án có sự "mập mờ" giữa công trình hoạt động tôn giáo với khu du lịch văn hóa tâm linh.
Ngày 25/04, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí. Tại đây, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết đây là dự án nhiều công năng gồm trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, chăn nuôi, du lịch trải nghiệm và sau đó được bổ sung du lịch văn hóa tâm linh.
Diện tích 220 ha của dự án được chia ra 10 phân khu, trong đó 1 phân khu khoảng 6 ha có chức năng du lịch tâm linh là Samten Hills Dalat. Trong phân khu này, doanh nghiệp được làm du lịch văn hóa tâm linh và sau đó được kết hợp nghỉ dưỡng.
Bà Nguyễn Thu Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát cũng thông tin: “Chúng tôi được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung mục tiêu du lịch văn hóa tâm linh vào mục tiêu dự án. Việc điều chỉnh tên, công năng sử dụng của hạng mục khu sinh hoạt trung tâm thành khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh thuộc dự án đầu tư tại huyện Đơn Dương theo đúng trình tự thủ tục quy định. Vì thế, việc nhà đầu tư tổ chức các hoạt động tại khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh tại Samten Hills Dalat là phù hợp”.
Kim Phát – doanh nghiệp của nữ tướng “Sữa ông Park”
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát có tên ban đầu là CTCP Sản xuất – thương mại Kim Phát, thành lập ngày 11/10/2004 tại Tp.Hồ Chí Minh với Chủ tịch HĐQT là ông Châu Anh Tuấn (SN 1978), ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu bò. Công ty cũng đăng ký kinh doanh chăn nuôi trồng trọt các động vật và cây trồng khác, cũng như chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.
Sau đó, năm 2018, bà Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1977) trở thành Chủ tịch HĐQT mới.
Cũng trong năm này, công ty chuyển đổi từ CTCP thành công ty TNHH với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Thu Phương nắm 80%, bà Nguyễn Thu Ngọc nắm 5% và ông Nông Hữu Đức nắm 15%. Ccoong ty chuyển trụ sở chính về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2022, công ty Kim Phát tăng vốn lên 150 tỷ, do CTCP VPMilk nắm 26%, bà Nguyễn Thị Thu Phương nắm 72%, bà Nguyễn Thu Ngọc nắm 0,5% và ông Nông Hữu Đức nắm 1,5%. Cuối năm 2022, công ty này lại giảm vốn điều lệ về 80 tỷ đồng. VPMilk không còn là thành viên góp vốn, chỉ còn lại bà Phương nắm 96,325%, bà Ngọc nắm 0,938% và ông Đức nắm 2,737%.
Thực tế, bà Nguyễn Thị Thu Phương vốn là một nữ tướng có tên tuổi trên thị trường sữa với vai trò là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP VPMilk.
VPMilk có tên ban đầu là CTCP Dinh Dưỡng Bega thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng do bà Phương làm Chủ tịch HĐQT, rồi tăng vốn lên 30 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, VPMilk tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.
Công ty này gây tiếng vang khi mời ông Park Hang Seo làm Đại sứ thương hiệu độc quyền. Thương hiệu sản phẩm Công ty theo đó cũng được truyền tai nhau với tên gọi Sữa ông Park.
Trước đó hồi tháng 3/2017, VPMilk gây xôn xao thị trường khi cam kết tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai số tiền 50 tỷ đồng trong hai mùa giải 2017 và 2018.
Bên cạnh cương vị tại VPMilk, bà Phương còn giữ trọng trách tại hàng loạt những doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương Mại Bảo Lâm, CTCP Đầu tư Nam Dương, Công ty TNHH Dinh Dưỡng Nam Dương, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bảo Lâm, Công ty cổ phần Geumsan... Trước khi thành lập VPMilk, bà từng rất thành công trong việc kinh doanh phân phối sữa nhập khẩu từ Nam Yang (Hàn Quốc) với thương hiệu sữa cao cấp XO.
“Việc kinh doanh sữa đến với tôi như là số phận. Số phận đến, tôi đón nhận và hiểu điều ta nghĩ về bản thân quyết định số phận ta” – Bà Phương nói trong một cuộc phỏng vấn.
Mới đây, CTCP VPMilk vừa khánh thành Nhà máy VPMilk Eco Farm tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Được biết, nhà máy có diện tích 3,5ha, bao gồm nhà xưởng, trang trại và các khu phụ trợ khác. Trong giai đoạn 1, nhà máy có công suất 20 triệu lít sữa/năm.
Về phần Kim Phát, bà Nguyễn Thu Ngọc hiện là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Kim Phát.