Doanh nghiệp sản xuất nội dung số đối mặt nhiều rào cản
Trong dòng chảy phát triển của công nghệ và internet hiện nay, hoạt động sáng tạo nội dung số được coi là mảnh đất mới nhiều tiềm năng. Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đối mặt với không ít vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có những phương thức mới, ứng xử phù hợp từ phía DN và cơ quan quản lý của Nhà nước.
Mảnh đất mới nhiều tiềm năng
Thông tin được các diễn giả đưa ra tại diễn đàn "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số" do Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức chiều 24/4 tại Hà Nội.
Tại sự kiện, ông Trần Đức Thành - Giám đốc VTC cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu thì đổi mới, sáng tạo nội dung số, triển khai các hoạt động chuyển đổi số ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Cùng quan điểm, theo ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA, sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số là những nhân tố chính, liên quan mật thiết với nhau trong công nghiệp nội dung số. Sự phổ biến của internet, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả khi tiếp cận và thụ hưởng nội dung từ các hình thức truyền thống như truyền hình, radio, báo in... đang dịch chuyển lên không gian số.
Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA.
Để bắt kịp xu hướng này, các nhà sản xuất nội dung buộc phải thay đổi tư duy nhằm tạo ra các sản phẩm nội dung số đa dạng ở nhiều lĩnh vực từ tin tức, giải trí, tới thể thao, giáo dục... cho phù hợp với thị hiếu khách hàng và phù hợp với không gian số, thiết bị số. Từ đó, sáng tạo nội dung số trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số.
Nói về xu hướng người dùng trong lĩnh vực truyền hình, ông Nguyễn Lê Tân - Giám đốc Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình VTC (VTC Now) cho biết, hiện xu hướng của người dùng, khán giả đã có sự thay đổi rõ nét. Thay vì bị động theo dõi các chương trình truyền hình theo trật tự và tuyến tính như lịch phát sinh trước đây thì giờ họ có thể chủ động theo dõi tất cả các nội dung trên bất kỳ nền tảng nào.
"Nhờ sự thay đổi của internet, công nghệ số, thiết bị số, truyền hình cũng phải phát triển theo hướng này. Khán giả giờ hào hứng với việc ghi hình theo khuôn hình dọc và các nền tảng phân phối nội dung như Youtube, Titktik cũng hỗ trợ người dùng xuất bản các video theo khuôn hình dọc. Rõ ràng các đài truyền hình truyền thống như VTV, VTC... cũng phải thích ứng với việc đó để phục vụ đông đảo khán giả. Trong bối cảnh hiện nay, truyền hình phải len lỏi vào mạng xã hội, khán giả ở đâu, truyền hình phải ở đó", ông Tân chia sẻ.
Nhiều bất cập
Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch VDCA nhìn nhận, trong dòng chảy phát triển đó, các hoạt động trong lĩnh vực nội dung số thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là việc bảo vệ bản quyền nội dung số và kinh doanh quảng cáo số. Vì vậy, thực tiễn luôn đòi hỏi phải có những phương thức mới trong vận hành và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, DN sản xuất nội dung, DN quảng cáo cũng như người dùng cuối cùng để có điều chỉnh và hành và ứng xử phù hợp.
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, trên môi trường số, người vi phạm bản quyền đã dùng công nghệ để xâm phạm bản quyền. Theo đó, người chủ sở hữu bản quyền nội dung trên môi trường số phải gắn với yếu tố công nghệ thì mới đủ biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền.
Thứ hai, trên môi trường số có số lượng lớn các sản phẩm nội dung. Do đó, việc dùng các biện pháp thủ công rất khó cả trong việc đăng ký bảo vệ và khó trong việc quét xem có hành vi xâm phạm, ăn cắp bản quyền nội dung trên môi trường số hay không.
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.
Khó khăn, thách thức thứ ba là vấn đề bằng chứng điện tử. Trên môi trường số, các hoạt động về xâm phạm sẽ phải lập vi bằng. Từ đó gây tốn kém về thời gian và nguồn lực, khiến các chủ sở hữu các nội dung số e ngại việc phát hiện vi phạm và chứng minh đối tượng có ăn cắp bản quyền hay không. Như vậy, pháp luật nên xem xét việc công nhận bằng chứng điện tử trong việc vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Khi đối mặt với những đối thủ hiểu biết tốt về pháp luật quốc tế, có tiềm lực về kinh tế, nếu như các nhà sáng tạo nội dung chỉ là những đơn vị nhỏ lẻ thì rất khó theo đuổi vụ kiện. Nếu DN không có tiềm lực, theo đó không theo đuổi được vụ kiện hoặc thua kiện thì mức tín nhiệm của DN giảm đi. Trong trường hợp này, rất cần sự đồng hành của Bộ Thông tin & Truyền thông cùng DN trong sân chơi toàn cầu này.
Ở góc độ DN, ông Tạ Minh Hoàng - TGĐ Sconnect Việt Nam - DN có kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nội dung cho thị trường quốc tế, đánh giá, vấn đề bản quyền, hiểu biết về sở hữu trí tuệ, và cách thức xử lý là bài toán của mỗi DN để phát triển bền vững. Trong khi đó, DN Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến bản quyền và sở hữu trí tuệ, từ đó dẫn đến hệ lụy là các hoạt động tranh chấp từ đối thủ mạnh. Do chưa nắm rõ về vấn đề sở hữu trí tuệ nên không ít DN lúng túng, thêm vào đó là không có nguồn lực để tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về vi phạm bản quyền.
"Cũng cần nói thêm rằng, sự phát triển quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số. Sáng tạo hay kinh doanh trên nền tảng số chưa được thực sự được coi là một mảng kinh doanh và có tỷ trọng cụ thể trong nền kinh tế. Chúng ta còn thiếu đi những hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra", ông Hoàng nêu.
Với các DN, ông Hoàng khuyến nghị nên nghiên cứu và vận dụng mô hình phát triển thành công của các doanh nghiệp nước ngoài. Tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế. Tham dự các triển lãm, hội trợ quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới. Chia sẻ những vướng mắc, các khó khăn làm cơ sở để tạo nên sự kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước...
Trong khuôn khổ diễn đàn, VDCA đã ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia, nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý Nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số. |