Doanh nghiệp sữa chưa được hưởng lợi giá nguyên liệu giảm trong quý 1
Biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp sữa tiếp tục giảm trong quý 1 và kỳ vọng có thể hưởng lợi xu hướng giảm giá nguyên vật liệu đầu vào từ quý 2 trở đi.
Biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm so với cùng kỳ
Vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, giá sữa trên thị trường quốc tế tăng cao do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và sản lượng tại các khu vực sản xuất sữa lớn như Tây Âu, châu Đại Dương thấp hơn dự kiến. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của đa số doanh nghiệp sữa giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh vào tháng 03/2022, giá sữa bột có xu hướng giảm dần. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 124.6 điểm trong tháng 04/2023, giảm 2.2 điểm so với tháng 3 và 22.1 điểm so với cùng kỳ năm trước, tức giảm lần lượt 1.7% và 22.1%. Giá bột sữa giảm tháng thứ 10 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy giảm.
Diễn biến giá sữa bột toàn cầu |
Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa cải thiện. Song, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sữa vừa công bố cho thấy biên lợi nhuận tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước và sự phục hồi tương đối yếu.
Vinamilk (HOSE: VNM) công bố BCTC hợp nhất quý 1 với doanh thu đạt 13,918 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết doanh thu nội địa giảm trong bối cảnh sức tiêu dùng yếu đi khi các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Song, doanh thu xuất khẩu phục hồi với mức tăng 7.5%. Ngay từ đầu năm, Vinamilk đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn với giá trị lên đến 100 triệu USD, phục vụ nhu cầu sữa bột trẻ em tại thị trường Trung Đông. Sản phẩm sữa của Vinamilk ngày càng được người tiêu dùng châu Á đón nhận và có sự đóng góp của liên doanh Del Monte Vinamilk ở thị trường Philippines.
Biên lợi nhuận gộp đạt 38.8%, duy trì tương đương quý 4/2022 nhưng giảm so với mức 40.5% quý 1/2022. Doanh thu tài chính tăng 100 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng tăng 300 tỷ đồng. Theo đó, ông lớn ngành sữa đạt 1,857 tỷ đồng lãi ròng, giảm 18%.
Đơn vị thành viên của Vinamilk, Sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM) có kết quả khả quan hơn khi doanh thu tăng 9%, lên 734 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 18.4%, lên 101 tỷ đồng. Đây được cho là kết quả của việc tích cực cải thiện hình ảnh thương hiệu tại nhiều điểm bán, thay đổi nhãn hiệu mới theo hướng tinh gọn và mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, việc duy trì khoản tiền gửi lớn đã giúp doanh thu tài chính của công ty tăng từ 25.7 tỷ đồng lên 33.5 tỷ đồng, cải thiện lợi nhuận. Tại thời điểm cuối quý 1, Sữa Mộc Châu có 1,519 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 4 tháng đến 12 tháng tại các ngân hàng trong nước, hưởng lãi từ 6% đến 11.7%/năm.
Sữa Quốc Tế (UPCoM: IDP) cũng ghi nhận doanh thu tăng 26.6%, lên 1,577 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 41% xuống 38.4% và chi phí bán hàng tăng vọt từ 178 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 8%, xuống 218 tỷ đồng.
Trong khi các doanh nghiệp sữa lớn và tầm trung trên thị trường báo cáo lợi nhuận suy giảm hoặc tăng trưởng thấp thì Sữa Hà Nội (UPCoM: HNM) tiếp tục đạt thành tích đáng nể. Doanh thu tăng 86%, lên 141 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần gấp đôi, lên 10.3 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải doanh thu gia công trong quý tăng thêm 44 tỷ đồng trong khi doanh thu bán hàng tăng 22 tỷ đồng là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp lại giảm từ 27.8% xuống 18.8%.
Tình hình kinh doanh của Sữa Hà Nội có sự cải thiện dần từ năm 2020. Doanh thu tăng từ 207 tỷ đồng lên 484 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế từ 2 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng. Công ty đã duy trì mức doanh thu trên 100 tỷ đồng và lợi nhuận trên 10 tỷ đồng trong 4 quý gần nhất.
Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cải thiện từ quý 2
Sữa là mặt hàng thiết yếu nên doanh thu của các doanh nghiệp sữa hầu như không bị ảnh hưởng lớn dù lạm phát tăng cao, thu nhập của người dân suy giảm. Theo Euromonitor report, tổng thị trường sữa và sản phẩm thay thế ở VIệt Nam năm 2022 ước đạt 147,200 tỷ đồng, tăng 7.7% so với năm trước. Trong đó, thị trường sữa ước đạt 98,000 tỷ đồng, tăng 8.7%; thức ăn trẻ em (baby food) đạt 43,600 tỷ đồng, tăng 6%.
Về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh giai đoạn 2022 - 2031, tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cũng khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 rằng thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa. Dựa trên các yếu tố như dân số Việt Nam vẫn tăng, thu nhập người dân có lúc tăng/giảm nhưng xu hướng chung là tăng, mức tiêu thụ sữa bình quân của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…).
Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong năm 2023 bất chấp bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, sức mua giảm. Như Vinamilk kỳ vọng doanh thu tăng 5.5%, lên 63,380 tỷ đồng; Sữa Quốc Tế lên kế hoạch doanh thu tăng 17%, lên 7,141 tỷ đồng; MCM kỳ vọng doanh thu tăng gần 10%, lên xấp xỉ 3,443 tỷ đồng. Kết quả ghi nhận trong quý 1 cũng cho thấy sự tăng trưởng.
Song lợi nhuận bị tác động trái chiều bởi nhiều yếu tố. Vinamilk dự báo lợi nhuận ròng đi ngang ở mức 8,514 tỷ đồng, Sữa Quốc Tế ước giảm 4% - xuống 776 tỷ đồng.
Giá nguyên vật liệu ở mức cao khiến biên lợi nhuận gộp các công ty sữa giảm trong quý 1 và kỳ vọng có thể được khắc phục từ quý 2 khi giá bột sữa đã giảm mạnh.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, CEO Vinamilk đánh giá xu hướng giá nguyên vật liệu năm nay giảm, tác động tốt tới biên lợi nhuận của Vinamilk. Lợi nhuận quý 1 tiếp tục không tăng trưởng do quý 1/2022 vẫn được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu thấp của năm 2021. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn từ các quý 2 và 3. Lãnh đạo công ty cũng cho biết đã chốt được giá nguyên vật liệu tốt cho đến tháng 8.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn để kích cầu. Như trong quý 1, Vinamilk tăng thêm 300 tỷ đồng cho chi phí bán hàng để đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng. Sữa Quốc Tế có chi phí bán hàng tăng từ 178 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, bào mòn đáng kể lợi nhuận. Sữa Hà Nội cũng phải tăng gần 70% chi phí bán hàng, lên hơn 12.4 tỷ đồng.
Mặt khác, các doanh nghiệp sữa cũng khó lòng tăng giá bán sản phẩm. Bà Liên chia sẻ Vinamilk chỉ có thể tăng giá bán 3 - 5% theo lạm phát và không thể tăng thêm. “Xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày đều sụt giảm đã ảnh hưởng tới sức mua của Việt Nam. Nếu Vinamilk tăng giá cao hơn, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mua người tiêu dùng” - CEO Vinamilk nói.