Cổ đông lớn nhất của Dệt may Thành Công nâng tỉ lệ sở hữu lên gần 45%
Sau giao dịch, E-Land Asia Holdings nâng sở hữu tại Dệt may Thành Công từ 43,27 lên 44,95% vốn, tương đương hơn 32 triệu cổ phiếu.
Mới đây, E-Land Asia Holdings báo cáo kết quả mua 1,2 triệu cổ phiếu TCM. Giao dịch diễn ra từ ngày 7/2 đến 16/2/2022. Tạm tính theo giá trung bình trong giai đoạn vừa nêu, cổ đông lớn này chi khoảng 82 tỷ đồng để nắm thêm 1,68% vốn tại Dệt may Thành Công.
Sau giao dịch khớp lệnh này, tỉ lệ nắm giữ của E- Land Asia Holdings tại Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã tăng lên 44,95%, tương đương 32 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường, giá cổ phiếu TCM dù vừa có đợt tăng mạnh hồi cuối tháng 1/2022, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn nằm trên đà điều chỉnh kể từ đỉnh cuối tháng 3/2021 đến nay.
Trở thành cổ đông tại Thành Công từ 13 năm trước, E- Land bắt đầu tái cấu trúc lại doanh nghiệp này, như yêu cầu sửa đổi điều lệ, bổ nhiệm Tổng Giám đốc người Hàn đầu tiên là ông Lee Eun Hong.
Theo Báo cáo thường niên năm 2020, E-Land sở hữu 43,27% vốn Dệt may Thành Công, theo sau là ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT sở hữu 14,26%.
E- Land Asia thuộc Tập đoàn E-Land, một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc. Đây cũng là một trong 3 thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Dệt may Thành Công bên cạnh thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt gần 148,8 triệu USD (tương đương 3.382 tỷ đồng). Trong đó sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 13% và sợi chiếm 10% tổng doanh thu. Kết quả doanh thu này tăng nhẹ (2%) so với năm 2020 và tương ứng với việc hoàn thành 83% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận sau thuế cả năm vừa qua của Dệt may Thành Công đạt 5,7 triệu USD (tương đương 130,6 tỷ đồng) và chỉ hoàn thành khoảng 47% kế hoạch năm 2021.
Trong Bản tin nhà đầu tư tháng 2/2022, Dệt may Thành Công đề cập đến doanh thu thời trang toàn cầu năm 2022 theo dự tính của McKinsey sẽ đạt khoảng 103% - 108% so với năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu tổng thể dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm tới, với động lực tăng trưởng có thể từ Mỹ và Trung Quốc - khi châu Âu chững lại.
Thời trang giá rẻ và cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, vì sự phục hồi dự kiến sẽ không đồng đều giữa các phân khúc giá trị trong khi thị trường trung cấp siết chặt lại.
Đồng thời, tính bền vững của chuỗi giá trị tiếp tục có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu và người tiêu dùng, không chỉ về việc sử dụng nguyên liệu tái chế (open-loop recycling) mà còn với việc tái chế hàng may mặc (tái chế khép kín - closed-loop recycling, giúp giảm thiểu chất thải).
Thị trường dự kiến sẽ vẫn diễn biến phức tạp với những thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu nguyên liệu. Những yếu tố này tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và mất cân đối giữa cung và cầu.
Theo đó, người tiêu dùng có thể chịu mức giá cao hơn và các công ty sản xuất có mức biên lợi nhuận thu hẹp. Giá bông đầu vào có thể tiếp tục tăng mạnh trong 2 quý tới, song cũng được dự báo sẽ điều chỉnh vào nửa cuối năm 2022.
Như vậy, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong nửa đầu năm nay.