"Gậy tiếp sức" trị giá 60 triệu USD cho các doanh nghiệp trẻ
Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực như fintech, edtech, vận tải, chuyển đổi số,… với quy mô đầu tư trải rộng từ giai đoạn Pre – Seed tới Series A.
Tối 21/2, ThinkZone Ventures đã chính thức công bố quỹ đầu tư khởi nghiệp ThinkZone Fund II cho các startup trong nước. Cụ thể, ThinkZone Fund II được thành lập bởi ThinkZone Ventures và các tập đoàn, doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Thách thức của startup trẻ đến từ đâu?
Theo bà Nguyễn Ngọc Dung, Chuyên gia Nghiên cứu phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo: “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam có muôn vàn khó khăn bởi đây mới là giai đoạn bắt đầu”.
Để làm rõ điều này, từ ý kiến của các startup trong hệ sinh thái Thinkzone Ventures như Deloitte Private Vietnam, eJoy Learning, ON Group,..., khó khăn lớn nhất họ gặp phải là về mặt con người. Hầu hết những công ty khởi nghiệp khi mới bắt đầu thường vướng mắc trong việc tìm kiếm được những người cùng chí hướng, cũng như chiêu mộ nhân tài.
Mặt khác, vấn đề về vốn cũng là thử thách lớn với những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong năm đầu tiên. Các nhà sáng lập có thể giàu ý tưởng, sản phẩm tốt, chuyên môn giỏi, nhưng lại không có sự hẫu thuận về nguồn tiền, không có nhà đầu tư. Song, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, nhưng khi tới Việt Nam lại không thể tìm được startup đủ lực “tiêu hoá" lượng vốn được đưa vào.
Hơn nữa, các doanh nghiệp trẻ thường ở tình trạng thiếu kinh nghiệm và mối quan hệ trong thời gian đầu, do đó họ đều phải “xắn tay áo" làm việc từ vi mô đến vĩ mô. Vô hình chung, đây có thể sẽ là con dao hai lưỡi cho doanh nghiệp, một mặt là cơ hội để doanh nghiệp có thêm nhiều trải nghiệm để trưởng thành, mặt khác, lâu dần sẽ bào mòn tính sáng tạo của họ bởi có quá nhiều mảnh cần phải lo.
Ngoài ra, theo ông Lê Dương, Luật sư thành viên của Indochine Counsel, pháp lý cũng là điều mà các startup trẻ bị thiếu hụt, bởi đa số họ sẽ chỉ mạnh về chuyên môn của mình, còn nghiên cứu pháp lý lại chưa đầy đủ.
Do đó, bà Dung cho rằng, khi các nhà sáng lập có ý tưởng hay, thì nên có những người/ tổ chức đã có kinh nghiệm khởi nghiệp để cố vấn và nâng đỡ, như vậy sẽ đảm bảo yếu tố bài bản mà vẫn thực tế.
“Gậy tiếp sức" trị giá 60 triệu USD cho các doanh nghiệp trẻ
Thấu hiểu những thách thức và lo lắng của các startup trong nước, ông Đô Bùi, Founding Partner & CEO ThinkZone Ventures chia sẻ lý do thành lập quỹ đầu tư nội để giúp startup tiếp cận nguồn vốn đầu tư thuận lợi hơn: “Các founder đi gọi vốn thường gặp rất nhiều trường hợp mất cả năm trời do khoảng trống giữa founder Việt và các quỹ ngoại rất xa nhau”.
Ngoài ra, ông cho rằng, nếu cả một năm startup chỉ tập trung vào gọi vốn thì sẽ bị loãng, không thể tập trung vào startup của mình. Từ đó ThinkZone Fund II ra đời sau 3 năm.
ThinkZone Fund II với quy mô vốn lên tới 60 triệu USD, điểm khác biệt lớn nhất của ThinkZone Fund II là nguồn hỗ trợ nội địa từ những tập đoàn, doanh nhân trong nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam như IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group. Khiến đây được coi là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô lớn nhất do người Việt góp vốn tính đến hiện tại.
Phát biểu trong buổi ra mắt Quỹ, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Holdings cho biết, tuy chúng ta đang có một đội ngũ các bạn trẻ năng động, nhạy bén với công nghệ, đặc biệt là luôn bùng cháy khát vọng làm giàu, nhưng vẫn rất cần nguồn lực và kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước.
Theo đó, quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các startup công nghệ từ nhiều lĩnh vực như fintech, edtech, vận tải, chuyển đổi số công nghệ,… với quy mô đầu tư trải rộng từ giai đoạn Pre – Seed tới Series A, lên tới 3 triệu USD/startup, cùng các gói hỗ trợ lên tới 150.000 USD/startup, đến từ 24 đối tác lớn khác như Amazon Web Services, Goldsun Media Group, FPT Play, Deloitte, MISA, HubSpot…
Không chỉ vậy, các startup nhận được hỗ trợ của quỹ còn được hỗ trợ bởi các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực trong mạng lưới của ThinkZone Ventures, cũng như kết nối với các doanh nghiệp như Viettel, Be Group, G-Group… để thúc đẩy tăng trưởng.