Tỉnh giấc vào các khung giờ này có thể là dấu hiệu cảnh báo gan, phổi, mật đang bị tổn thương
Thời điểm tỉnh giấc khi ngủ cũng có thể là 'tín hiệu' cho thấy nhiều cơ quan trong cơ thể đang bị tổn thương.
Đôi khi, chúng ta có thể bất chợt tỉnh giấc vào một thời điểm nào đó trong giấc ngủ ban đêm. Nếu tình trạng này chỉ xuất hiện một vài lần, đó có thể là một vấn đề bình thường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên tỉnh giấc vào một khung giờ cố định, hãy cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang không được khỏe.
Jessica Maynard, một chuyên gia châm cứu tại Trung tâm Sức khỏe tích hợp, Viện Ung thư Huntsman (Mỹ) cho biết: Theo y học cổ truyền Trung Quốc, 12 cơ quan trong hệ thống kinh lạc của cơ thể có khoảng thời gian hoạt động tối ưu khác nhau trong vòng 24 tiếng của 1 ngày. Mỗi cơ quan sẽ hoạt động tối ưu và "sạc" năng lượng trong khoảng thời gian 2 tiếng.
Khi nguồn năng lượng của các cơ quan này bị chặn hoặc cản trở, cơ thể sẽ phát ra các tín hiệu cảnh báo như mất nước, không tập trung hoặc tỉnh giấc vào một thời điểm nhất định nào đó.
Thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ vào một khung giờ nhất định có thể báo hiệu một cơ quan đang bị mất cân bằng, không được ‘sạc’ đủ năng lượng và khiến bạn bị tỉnh giấc.
Tỉnh giấc vào 21h-23h: Vấn đề về tuyến giáp
Khoảng thời gian từ 21h-23h liên quan tới hệ thống nội tiết, tuyến giáp và bạch huyết. Các hệ thống này sẽ hoạt động nhiều hơn trong khung giờ này. Do đó, khi hệ nội tiết, tuyến giáp và bạch huyết bị mất cân bằng, bạn có thể cảm thấy mất sức hoặc gián đoạn giấc ngủ trong khung thời gian trên.
Ngoài ra, bạn có thể có các biểu hiện khác như mất cân bằng hormone hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp. Đi ngủ sớm hơn sẽ có lợi hơn cho tuyến giáp. Tốt hơn hết, bạn nên lên giường trước 22h30.
Tỉnh giấc vào 23h-1h: Vấn đề về túi mật
23h-1h là khoảng thời gian phục hồi của mật. Lúc này, mật sẽ tự sửa chữa các tế bào bị hư hỏng và tái tạo các tế bào mới. Do đó, thức dậy vào khung giờ này thường xuyên có thể cảnh báo chức năng túi mật của bạn đang bị ảnh hưởng.
Tỉnh giấc vào 1h-3h: Vấn đề về gan
Đây là khung giờ tương ứng với chức năng gan. Tỉnh giấc vào khung giờ này cho thấy gan của bạn có thể đang phải hoạt động quá sức để loại bỏ các độc tố dư thừa trong cơ thể do chức năng gan bị tổn thương hoặc do bạn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh làm tăng gánh nặng cho gan.
Tỉnh giấc vào 3h-5h: Vấn đề về phổi
Phổi là cơ quan hô hấp, có chức năng lấy và vận chuyển oxy để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Trong khoảng thời gian 3h-5h sáng, phổi sẽ hoạt động nhiều hơn để lấy oxy. Khi chức năng phổi bị ảnh hưởng, bạn có thể có các triệu chứng như thở khò khè, ho và thường xuyên thức dậy trong khoảng thời gian này.
Tỉnh giấc vào 5h-7h: Vấn đề về ruột già
Ruột già có nhiệm vụ lưu trữ và đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Ruột già hoạt động nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 5-7 giờ sáng. Do đó, khi cơ quan này có vấn đề, bên cạnh việc tỉnh giấc trong khung giờ trên, bạn cũng có thể có thêm các triệu chứng như táo bón, đầy bụng. Để giải quyết tình trạng này, bạn nên tăng cường các hoạt động thể chất và bổ sung đủ nước.
Gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt với triệu chứng tỉnh giấc giữa chừng có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, nếu thường xuyên bị tỉnh giấc khi ngủ, tốt hơn hết bạn nên tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định được nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.