Phòng chống cúm mùa dịp Tết Nguyên đán
Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là cúm, có nguy cơ bùng phát.
Nguy cơ dịch cúm bùng phát mạnh dịp Tết
Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Âu đang đối mặt với các đợt dịch cúm nghiêm trọng. Các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, trong khi việc tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng ngừa chính để ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm tại tỉnh Bình Định.
Nguy cơ bùng phát cúm mùa dịp Tết Nguyên Đán 2025 |
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát chủ động và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tử vong. Bên cạnh đó, một trường hợp nhiễm cúm A(H9N2) ở người đã được ghi nhận.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vắc xin cúm hàng năm và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt để phòng ngừa cúm. Người dân cũng nên ở nhà khi bị bệnh và đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng như sốt cao, ho dai dẳng, khó thở, đau ngực, mệt mỏi và đau nhức cơ thể.
Đặc biệt, những người đi du lịch đến các quốc gia có dịch cúm gia cầm nên tránh tiếp xúc với động vật ở chợ buôn bán động vật sống hoặc các khu vực có thể giết mổ động vật.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, số ca mắc bệnh cúm thường tăng đột biến vào dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm thời tiết thất thường: Miền Bắc thường xuyên xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại xen kẽ với nắng ấm, trong khi miền Nam có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển.
Bên cạnh đó, dịp Tết là thời điểm tập trung đông người, các hoạt động mua sắm, du xuân, thăm người thân tạo cơ hội cho virus cúm lây lan nhanh chóng.
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt thay đổi cũng là một nguyên nhân. Trong dịp Tết, nhiều người thức khuya, ăn uống không điều độ, làm suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng.
Các loại cúm phổ biến dịp Tết 2025 gồm cúm mùa: Do virus cúm type A và B gây ra, cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông-xuân với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau họng và mệt mỏi.
Cúm A/H1N1 là một biến thể của virus cúm A, đã trở thành mối lo ngại lớn khi xuất hiện nhiều biến chủng mới. Triệu chứng ban đầu giống cúm mùa nhưng có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ.
Cúm A/H5N1 do vi rút cúm gia cầm H5N1 rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Mặc dù hiếm gặp ở người, nhưng khi lây nhiễm, cúm A/H5N1 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về đường hô hấp.
Cúm B thường nhẹ hơn cúm A nhưng vẫn cần theo dõi cẩn thận. Virus cúm B ít biến đổi hơn, nhưng vẫn có khả năng gây ra các đợt dịch quy mô nhỏ.
Mặc dù không còn là đại dịch, Covid-19 vẫn tiếp tục xuất hiện các biến thể mới. Các chuyên gia dự báo có thể xuất hiện biến thể mới vào dịp Tết 2025, đòi hỏi người dân cần duy trì cảnh giác.
Về dấu hiệu nhận biết các loại cúm theo các chuyên gia y tế, với cúm mùa: Sốt từ 38-39°C, đau họng, mệt mỏi. Thời gian ủ bệnh từ 1-4 ngày.
Cúm A/H1N1 có dấu hiệu sốt cao trên 39°C, ho khan, khó thở, có thể kèm theo tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Cúm A/H5N1 có dấu hiệu sốt rất cao, khó thở nặng, đau ngực. Thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày. Covid-19: Sốt, ho khan, mất khứu giác, vị giác. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày.
Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng hàng đầu
Để phòng chống các loại cúm mùa, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng: Việc tiêm vắc xin cúm hàng năm. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vắc xin cúm tứ giá bảo vệ chống lại bốn chủng virus cúm phổ biến.
WHO từ lâu đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu…).
Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng hàng đầu |
Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).
Từ việc xác lập được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).
Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc xin theo mùa đã được khuyến cáo.
Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian, nhưng vì nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, nên tiêm đúng chủng loại vắc xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa đông năm nay tới hết mùa xuân năm sau. Điều đó có nghĩa, muốn chống lại dịch cúm mùa thì mỗi người dân nên tiêm vắc-xin vào mùa thu.
Với câu hỏi vắc xin cúm chỉ tiêm ở trẻ nhỏ hay cả người trưởng thành, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần tiêm vắc xin cúm mùa để bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, và tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
Mọi người chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch. Việc nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng; tập thói quen uống nhiều nước, uống nước, nước trái cây và súp ấm để tránh mất nước
Khi bệnh nhân có biểu hiện ốm sốt nghi do cúm thông thường có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau đầu; riêng các loại thuốc kháng virus được sử dụng trong trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ cao bị biến chứng.
Nếu bệnh nhân có triệu chứng cúm nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền) thì nên đến gặp bác sỹ ngay lập tức khi mắc cúm mùa.