Một trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2025 theo chương trình mới
Nhà trường sớm công bố phương án tuyển sinh từ đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn trong quá trình lựa chọn môn học.
Trường ĐH Nha Trang đã công bố phương án tuyển sinh để học sinh định hướng học và ôn tập
Theo báo Vietnamnet, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên sẽ tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vì vậy Trường ĐH Nha Trang đã công bố phương án tuyển sinh để học sinh định hướng học và ôn tập.
Chia sẻ về phương án tuyển sinh cho năm 2025, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang cho hay năm 2025, lứa học sinh đầu tiên sẽ tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy nhà trường sớm công bố phương án tuyển sinh từ đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn trong quá trình lựa chọn môn học.
"Theo chương trình mới, học sinh được chọn môn học theo sở thích. Nếu các trường không công bố sớm phương hướng tuyển sinh, đặc biệt là định hướng môn học cần phải được trang bị ở cấp THPT, sau này khi xét tuyển sinh sẽ không thể tuyển sinh hoặc tuyển sinh kết quả không như ý", TS Tô Văn Phương nói.
Đặc biệt, về phương thức tuyển sinh, Trường ĐH Nha Trang vẫn sẽ xét tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy chế tuyển sinh của năm xét tuyển; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia tổ chức. Đặc biệt, trường sẽ xét tổ hợp các môn học ở cấp THPT (điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT (nếu Bộ GD&ĐT có tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại).
Định hướng trong việc xác định tổ hợp môn xét tuyển như sau: Sử dụng tổ hợp có từ 3 đến 5 môn xét tuyển, trong đó, các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong mỗi tổ hợp xét tuyển. Sử dụng thang điểm 50.
Nếu sử dụng tổ hợp 3 môn (định hướng sử dụng tổ hợp gồm môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh) sẽ nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Tiếng Anh trên cơ sở phù hợp với ngành đào tạo và đưa về thang điểm 50. Nếu tổ hợp 4 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 1 môn phù hợp với ngành đào tạo, có 1 môn nhân hệ số.
Nếu sử dụng tổ hợp 5 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 2 môn phù hợp với ngành đào tạo, kông nhân hệ số. Ngoài 3 môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, 1-2 môn xét tuyển phù hợp với ngành đào tạo bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ, Tin học.
Khi nào công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025?
Thông tin trên báo Lao Động, tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ngày 15/8, nhiều giáo viên quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết thúc ba năm THPT.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11.
Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ như thế nào".
Vì vậy, cô Thiều Hoa bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và tuyển sinh đại học để giáo viên được biết.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào quý IV năm nay.
"Về cơ bản, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có một số điều chỉnh về nội dung câu hỏi, nội dung thi, bước đầu phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc điều chỉnh phương án thi không gây thay đổi bất ngờ, gây sốc cho phụ huynh, học sinh" - Bộ trưởng thông tin.
Đáng chú ý trước đó vào tháng 3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân với nhiều điểm mới. Trong đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 6 môn gồm: 4 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn.
Về môn thi, hình thức thi, Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo môn, trong đó, các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông; Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Về nội dung thi, dự thảo của Bộ GD&ĐT quy định, các câu hỏi sẽ vẫn nằm trong chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi vào giữa tháng 3 năm nay, nhận định về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 bắt đầu đưa vào triển khai ở cấp THPT từ năm học 2022 - 2023 và năm 2025 lứa học sinh THPT đầu tiên tốt nghiệp, theo Sức khỏe & Đời sống.
Chương trình tuyên bố các nhóm năng lực cốt lõi, phẩm chất học sinh đạt được sau khi hoàn thành cấp THPT. Theo đó, có 8 nhóm năng lực cốt lõi: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Ngôn ngữ; Tính toán; Khoa học; Công nghệ; Tin học; Thẩm mĩ; Thể chất. Do vậy, khi xây dựng bài thi nào, nội dung gì, đều phải hướng tới đánh giá người học đạt được các nhóm năng lực cốt lõi như chương trình công bố.