Một ngành học cực hot nhưng tuyển sinh ở khu vực này chỉ ở mức 15 điểm: Cơ hội việc làm ngay trong tỉnh với hàng loạt các công ty nước ngoài
Ngành học này được đánh giá vô cùng tiềm năng, mức điểm chuẩn tại nhiều trường ĐH top đầu luôn ở ngưỡng 24-27 điểm nhưng còn khá “khiêm tốn” ở tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp trong vùng. Ngành logistics của tỉnh cũng sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành dịch vụ.
Với mục tiêu đề ra, Đồng Nai đang tận dụng lợi thế sẵn có đồng thời huy động mọi nguồn lực nhằm đưa tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của tỉnh đạt khoảng 30-35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP ngành dịch vụ của tỉnh từ 20-25%, theo bản dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030.
Ưu thế vượt trội của Đồng Nai
Phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp, khi được phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với gần 190 km2, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 86%. Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hiện Đồng Nai thu hút nhiều dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Do đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Bên cạnh lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, Đồng Nai còn có vị trí quan trọng trong “tứ giác” kinh tế (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), là điểm kết nối giao thông nên hạ tầng giao thông đang được đầu tư khá mạnh. Hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 từ Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4.
Đặc biệt, với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành diện tích 5.000 ha, quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 và sân bay Biên Hòa (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng) đang được các ngành đẩy mạnh công tác triển khai đầu tư.
Song song với đó, hệ thống cảng biển - sông cùng những dịch vụ logistics đang được triển khai như cảng Đồng Nai, cảng Gò Vấp, cảng Phước An (tiếp nhận tàu có trọng tải đến 60 ngàn DWT) và cụm cảng biển nhóm V (huyện Nhơn Trạch, có thể đón các loại tàu có trọng tải lên đến 60 ngàn DWT), cùng với cụm cảng của TP. Hồ Chí Minh, cụm cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoạt động (cảng Cái Mép).
Với những dự án giao thông trọng điểm đang từng bước được xây dựng và hoàn thành, tương lai, Đồng Nai có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm lưu trú, trung tâm logistics, trung tâm phát triển thương mại dịch vụ hàng không, dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á và điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Bài toán khó mang tên thu hút nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương
Trong bối cảnh này, tỉnh Đồng Nai cần nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển ngành logistics, nhằm vận hành và khai thác tối đa tiềm năng các dự án tại địa phương trong tương lai. Tuy nhiên trong 13 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng ở tỉnh này, chỉ có 2 trường đào tạo chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là Trường Đại học Công nghệ Miền Đông và Trường Đại học Lạc Hồng.
Cả 2 ngôi trường này đều mới mở ngành Logistics từ năm 2022 và không công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho ngành này. Trên thực tế, bài toán được đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành Logistics tại Đồng Nai chính là việc thu hút sinh viên học tập và làm việc ngay ở địa phương.
Điểm chuẩn của ngành Logistics tại Trường Đại học Công nghệ Miền Đông và Trường Đại học Lạc Hồng chỉ ở ngưỡng 15 điểm, trong khi điểm chuẩn ngành này tại các trường ĐH có thế mạnh đào tạo kỹ thuật - vận tải tại TP.HCM dao động 24-27 điểm.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông và Trường Đại học Lạc Hồng đang cho thấy nỗ lực hoàn thiện và nâng cao chương trình giảng dạy, từng bước giải bài toán khó về nguồn cung nhân lực Logistics chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế - quản trị - luật, Trường đại học Công nghệ Miền Đông cho biết: "Trong 3 năm qua, 2 cơ sở đào tạo này đã không ngừng cập nhật chương trình đào tạo để tích hợp các xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng như: tự động hóa, quản lý bằng hệ thống ERP và phân tích dữ liệu lớn.
Phía ĐH Công nghệ Miền Đông đang có nhiều hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuộc lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và thuận lợi cho việc tuyển dụng sau khi ra trường”.
Bên cạnh việc cải tiến chất lượng đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung trang bị ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế trên thị trường. Trong quá trình học, sinh viên trường này có cơ hội trải nghiệm và thực tập tại các đơn vị là các cảng, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu lớn như cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải, Phú Mỹ, công ty DHL, Agility, Dofico,…
"Trường Đại học Công nghệ Miền Đông tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng môi trường giảng dạy thông minh, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào chương trình học. Mục tiêu là trang bị cho sinh viên các kỹ năng ứng dụng AI, cùng với việc nâng cấp trang thiết bị ngành Logistics, giúp sinh viên bắt kịp công nghệ hiện đại”, PGS.TS. Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông thông tin.
Sở hữu mạng lưới kết nối doanh nghiệp, Trường Đại học Lạc Hồng đưa sinh viên tham quan, học tập thực tế ngay từ năm nhất tại Cảng Quốc tế Long An, cảng LOTUS hay đến các doanh nghiệp như công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình, công ty TNHH cảng Quốc Tế Mỹ Xuân, AJ Total Việt Nam, CP Logistics U&I…
Những hoạt động hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và hiệp hội ngành giúp sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hiểu rõ hơn về thực tiễn hoạt động của ngành, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, kết nối với các chuyên gia.
Giữ chân các giảng viên có chuyên môn cao trong ngành vẫn luôn là thách thức với nhiều đại học địa phương khi cạnh tranh với các trường ở TP.HCM và khu vực lân cận. Để vượt qua thách thức này, PGS.TS. Phạm Văn Song cho biết: “Hàng năm nhà trường ưu tiên nhiều nguồn lực để thực thi các chính sách hỗ trợ giảng viên trong nghiên cứu khoa học và phát triển chuyên môn. Nhà trường tin rằng, khi giảng viên có môi trường nghiên cứu và phát triển, họ sẽ gắn bó lâu dài và góp phần xây dựng môi trường giảng dạy năng động và sáng tạo.
Dù cạnh tranh với nhiều cơ sở đào tạo lớn, chúng tôi cam kết Đại học Công nghệ Miền Đông sẽ trở thành điểm đến hàng đầu cho sinh viên và giảng viên ngành Logistics tại Đồng Nai".