Loạt địa phương “có lệnh” chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm
Hiện trên cả nước có nhiều địa phương có chỉ đạo chấn chỉnh việc dạy thêm và các khoản thu chi đầu năm học.
Tp.HCM rà soát các đơn vị tham gia dạy môn liên kết
Theo VTV, Tp.HCM rà soát hồ sơ các đơn vị tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá. Đây là thông tin được Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết nhằm chấn chỉnh các hoạt động này tại thành phố. Theo đó, các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khoá gồm ngoại ngữ, kỹ năng sống, tin học sẽ được rà soát tất cả hồ sơ pháp lý.
Sở GD&ĐT thành phố cũng sẽ tiếp tục giám sát việc sử dụng giáo viên người nước ngoài, thực hiện chế độ chính sách, liên kết giáo dục, nhượng quyền thương mại các chương trình kỹ năng sống của tổ chức nước ngoài. Sở cũng cho biết: sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát, đôn đốc việc kê khai giá.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT các tỉnh thành tăng cường quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Hải Phòng chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, UBND Tp.Hải Phòng vừa ban hành công văn gửi Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, UBND các quận, huyện về việc chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học. Theo đó, UBND Tp.Hải Phòng giao Sở GD&ĐT chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học; đồng thời có giải pháp xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện sai quy định việc dạy thêm, học thêm, việc liên kết giáo dục và lạm thu trong trường học.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu không vi phạm quy định về dạy thêm
Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.
Sở này cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Sở GD&ĐT An Giang nhắc nhở không được tổ chức dạy thêm
Năm nay, Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Phú Thọ ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Sở GD&ĐT tỉnh này cũng yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Nam Định yêu cầu không dạy thêm
Năm học mới này Nam Định cũng quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định. Trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh.
Riêng với lớp cuối cấp 9, 12, giáo viên dạy không quá 5 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 4 tiết học, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.
"Lãnh đạo các trường giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu có vi phạm về dạy thêm, học thêm thì lãnh đạo các trường chịu trách nhiệm", Sở GD&ĐT Nam Định nêu.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát vụ chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa
Thông tin trên báo Thanh Niên, Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên gửi tới các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước. Công văn do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ký.
Công văn nêu rõ: "Thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (cơ sở giáo dục). Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học".
"Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này", công văn viết.
"Để tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT thực hiện một số nội dung sau:
Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương với các nội dung: công tác chỉ đạo của sở GD&ĐT; công tác triển khai tại các cơ sở giáo dục; đánh giá thuận lợi, khó khăn; đề xuất, kiến nghị và tổng hợp số liệu (theo phụ lục gửi kèm). Báo cáo của các đơn vị gửi về Bộ GD&ĐT qua Vụ Giáo dục trung học (Email: vugdtrh@moet.gov.vn) trước ngày 15/10/2023. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục trung học) để kịp thời giải quyết", Bộ GD&ĐT chỉ đạo.