Sốt xuất huyết nguy hiểm đến mức nào?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, thậm chí có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 6000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc ghi nhận tại 30/20 quận, huyện, thị xã.Ổ dịch có số mắc cao nhất ghi nhận tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) với 366 bệnh nhân, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 248 bệnh nhân.
Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, qua giám sát cho thấy một số ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến kéo dài, ghi nhận thêm bệnh nhân; một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tình hình dịch sốt xuất tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên bệnh lây theo đường máu. Trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau, nhưng thể nặng có sốc do giảm khối lượng máu lưu hành, điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của sốt xuất huyết
Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khởi phát các triệu chứng như sốt cao đột ngột trong 2 - 7 ngày, kèm theo một số triệu chứng khác như: Nhức đầu, buồn nôn, chán ăn; Phát ban, da xung huyết; Các chấm xuất huyết hiện ở dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3 - 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi vì đó có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Sốt xuất huyết nặng có thểdẫn tới sốc hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp; Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.
Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue thể nhẹ, người dân cần đi khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Nếu điều trị kịp thời, đúng hướng có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển thành sốt xuất huyết thể nặng, đe dọa sức khỏe và mạng sống của người bệnh.
Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, người dân nên dùng thuốc xịt côn trùng, mặc quần áo dài tay, sáng màu, nên mắc màn khi đi ngủ. Cần sử dụng thuốc diệt côn trùng gia dụng, bình xịt muỗi hoặc phun thuốc muỗi định kỳ.
Bên cạnh đó, người dân cần đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, tránh để bể nước tù đọng.