Kiến tạo chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục
Các trường đại học ngoài công lập được coi là “đắt đỏ” và chỉ phù hợp với những người không có khả năng thì nay, nhận thức đó đã thay đổi.
Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập đã khẳng định vai trò cánh tay nối dài của hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường đại học ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học công lập, giáo dục đại học ngoài công lập góp phần đa dạng hóa hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng cao của xã hội.
Trước đây, các trường đại học ngoài công lập được coi là “đắt đỏ” và chỉ phù hợp với những người không có khả năng vào các trường đại học công lập thì nay nhận thức đó đã thay đổi và giờ đây, ngày càng có nhiều học sinh chọn học trường ngoài công lập.
Bức tranh về giáo dục đại học hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong hệ thống các trường đại học ngoài công lập hiện nay, có vị thế ngang hàng, thậm chí có một số lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, một số trường đại học tư lớn hơn, mạnh hơn các trường đại học công lập. 5 điểm quan trọng trong bức tranh giáo dục ngoài công lập hiện nay khá rõ.
Thứ nhất, do tính năng động của người đứng đầu, đặc biệt là có các tiềm lực về đầu tư, việc xây dựng cơ sở vật chất, tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo, cuốn hút giới trẻ, hầu hết các trường đại học tư thục được đầu tư ban đầu rất lớn để có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Thứ hai, các trường đại học tư thục cũng dành ra những khoản đầu tư đáng kể cho thu hút nhân tài. “Chảy máu chất xám” có thể là một thuật ngữ không đúng khi áp dụng cho việc một số giảng viên uy tín chuyển từ trường đại học công lập sang đại học tư thục nhưng rõ ràng, với cơ chế tốt, ưu đãi, tạo môi trường học thuật, môi trường giảng dạy năng động, nhiều giảng viên sẵn sàng tìm bến đỗ tri thức mới để cống hiến.
Thứ ba, các trường đại học tư thục hiện nay cũng đang không ngừng đầu tư mạnh cho quảng bá thương hiệu, thúc đẩy các chính sách học bổng và ưu đãi cho người học, tăng cường các hoạt động liên kết quốc tế, có tốc độ mở ngành lớn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tạo nên cuộc đua ngày càng lớn với các trường đại học công lập.
Thứ tư, có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào của các trường đại học ngoài công lập thấp hơn so với các trường đại học công lập, tuy nhiên, sự so sánh đó không phải là bản chất. Không phải ở ngành nào, trường nào cũng có tình trạng như vậy diễn ra và không phải việc sinh viên có đầu vào thấp là chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Việc đầu tư, quan tâm tới việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, gắn kết giảng đường -doanh nghiệp, tạo ra các mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng mạnh mẽ của các trường đại học tư chính lại là yếu tố thu hút sinh viên hiện nay. Chính trong quá trình đào tạo, năng lực, phẩm chất và tính chuyên môn thực chiến của sinh viên trường tư được bộc lộ tốt hơn, đáp ứng được ngay nhu cầu tuyển dụng nhà sử dụng lao động.
Thứ năm, ngay trong chính các trường đại học ngoài công lập cũng bắt đầu có sự phân hóa khá rõ khi trong bảng xếp hạng các trường ngoài công lập, nhiều trường trong “cuộc đua” dần “hụt hơi”, tuyển sinh, đào tạo có nhiều dấu hiệu không tốt. Điều này cũng thể hiện rõ quy luật vận động và phát triển của mỗi trường.
Phải thực sự tâm huyết, phải đầu tư, chăm sóc sinh viên, quan tâm tới chất lượng giảng dạy, quan tâm tới đời sống cán bộ, giảng viên, nhân viên… từng bước từng bước mới có thể khẳng định được sự trường tồn trong giáo dục.
Trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, nhiều trường đại học ngoài công lập cho rằng không được ứng xử công bằng như các trường đại học ngoài công lập trong các vấn đề như tiếp cận các nguồn lực về đất đai, ưu đãi thuế, cơ chế chính sách, nghiên cứu khoa học.
Nhưng trong quan điểm của chúng tôi, điều đó là chưa đúng hẳn và ngay trong phần trả lời của Bộ trưởng cũng đã nêu rõ vấn đề trong giáo dục cũng rất công bằng. Và thực sự, những vấn đề trên, nó thuộc về tính năng động, nội lực của mỗi cơ sở đào tạo đặc biệt là khi chính sách tự chủ trong giáo dục ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Một số đề xuất đề xuất hỗ trợ cho các trường đại học ngoài công lập phát triển hơn. Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đẩy mạnh các giải pháp truyền thông nhằm giúp cho từ góc độ quản lý điều hành vĩ mô loại hẳn tâm lý phân biệt trường công – trường tư ngay từ bậc phổ thông.
Hai là, phải coi đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục là tài sản chung của quốc gia. Vì vậy, các chính sách giữ chân, ràng buộc cũng cần được tháo gỡ từ cấp quản lý cao hơn khi nếu có giảng viên, cán bộ mong muốn chuyển từ đơn vị công sang đơn vị tư cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Ba là, xem xét, thường xuyên đặt hàng trực tiếp các trường đại học tư trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ, hoặc tư vấn về các giải pháp, chiến lược hoặc các nhiệm vụ đào tạo khác… với định mức kinh phí ngang bằng với các trường đại học công lập.
Bốn là, điều chỉnh một số chính sách hiện tại của Nhà nước như chính sách tài chính đầu tư về đất đai, nâng cao năng lực, chính sách tài trợ các đề tài, dự án, cơ chế thi đua khen thưởng, chế độ vinh danh nhà giáo trong khối đại học ngoài công lập, giúp giảng viên trong khối đại học ngoài công lập có sự ngang bằng hơn so với khối đại học công lập.
PGS.TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam