Giáo viên và thí sinh nhận định về đề thi môn Ngữ văn THPT năm 2022
Sáng 7/7, gần một triệu thí sinh trên cả nước đã bước vào môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với môn Ngữ văn, theo hình thức thi tự luận.
Là thí sinh đầu tiên bước ra từ Điểm thi Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc), em Trần Thị Hương chia sẻ: Em khá tự tin với bài thi Ngữ văn sáng nay. Em thấy đề Ngữ văn năm nay hay, không đánh đố học sinh, mức độ đề phù hợp với tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng tới học sinh trong mấy năm qua. Cấu trúc đề chúng em đã được làm quen qua các lần thi thử.
“Đề năm nay gồm 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn với tất cả 6 câu, trong đó 3 câu trong phần đọc hiểu là những câu dễ kiếm điểm. Câu còn lại không quá khó. Câu nghị luận xã hội nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước thế hệ đi trước. Ở câu hỏi này, các bạn có thể thể hiện quan điểm của bản thân trong bài viết.
Câu nghị luận văn học liên quan đến đoạn trích trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, với câu hỏi này, tùy thuộc vào mức độ cảm thụ, năng khiếu của từng bạn sẽ có cách diễn đạt riêng. Để có thể đạt điểm cao ở câu hỏi này thì cần phải có chút năng khiếu đối với môn Ngữ văn”, em Trần Thị Hương chia sẻ thêm.
Còn em Vũ Quang Anh, thí sinh tại điểm thi trường THCS Việt Nam - Angieri (Hà Nội), nhận xét đề Ngữ văn năm nay khá dễ. Mặc dù chú trọng ôn thi các môn trong tổ hợp xét tuyển A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), Quang Anh không gặp khó khăn với môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, em Bùi Lâm Anh, (Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy đề dễ, sát ôn tập. Em tự tin điểm tuyệt đối phần đọc hiểu và 7 điểm toàn bài. Mặc dù chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp, em vẫn làm hết 4 mặt giấy.
Em Phạm Huy Hoàng, học sinh trường THPT Võ Thị Sáu, dự thi tại điểm thi THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, Tp.HCM), đánh giá đề năm nay vừa sức. Em làm xong trước 30 phút nhưng phải ngồi lại phòng chờ đến khi hết giờ. Nam sinh cho biết em sẽ về nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị tinh thần thật tốt cho buổi thi Toán chiều nay.
Trong khi đó, em Lê Thu Trang, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), thừa nhận ôn thi không đúng bài. Dù vậy, nữ sinh cho hay đề thi vừa sức. Nhờ đó, em làm được bài và thấy ấn tượng với câu nghị luận xã hội.
"Kết thúc bài thi cũng là lúc em thấy mình có trách nhiệm hơn với bản thân và đất nước. Em tự tin mình được trên 8 điểm, đủ để xét tuyển đại học nguyện vọng 1", Thu Trang chia sẻ.
Từng là Tổ trưởng, giáo viên Ngữ văn Trường Nguyễn Văn Hai, Trà Vinh, với kinh nghiệm hơn 30 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung nhận định: Đề có cấu trúc quen thuộc như những năm trước; độ khó “đúng tầm”, phù hợp với điều kiện học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến. Tuy nhiên, đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh, dù tổng thể không khó.
Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản, học sinh có thể dễ dàng trả lời được và “ăn điểm” tuyệt đối của phần này.
Câu 1 trong phần Làm văn khá đơn giản, gắn với vấn đề quen thuộc là trách nhiệm của thế hệ trẻ, học sinh có thể dễ dàng trả lời. Câu 2 phần Làm văn nằm trong nội dung chương trình, nội dung phân loại nằm ở yêu cầu liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Nói chung, với đề này, số điểm học sinh dưới trung bình sẽ rất ít. Học sinh học lực trung bình có thể chắc điểm 5; học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9,5 điểm.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn:
Quốc Tiệp (theo Zing, Giaoducthoidai.vn)