Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) và Đại học Hà Nội: Trường nào sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc hơn?
Mỗi mùa tuyển sinh đến, các bạn học sinh lại đặt lên bàn cân so sánh giữa Đại học Hà Nội hay Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN).
Ngoại ngữ là một trong những ngành học "hot hit" luôn được các bạn trẻ hết sức quan tâm. Bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta, đem đến cơ hội việc làm lớn và mức thu nhập tương đối cao, thậm chí nhiều người còn rỉ tai nhau rằng: "Giỏi một ngoại ngữ thì không lo chết đói".
Song song với đó, một câu hỏi được đặt ra là nên học ngoại ngữ ở trường đại học nào. Xét về khía cạnh "ngoại ngữ" thì có hai ngôi trường được coi là "ngang cơ" nhau là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) và Đại học Hà Nội (HANU). Sở dĩ có sự so sánh như vậy vì hai trường đều thuộc dạng "đỉnh của chóp". Hàng năm, điểm chuẩn của HANU và ULIS đều cao ngất ngưởng.
Đại học Hà Nội (bên trái) và Đại học Ngoại ngữ (bên phải)
Nên học ngôn ngữ ở Đại học Hà Nội hay Đại học Ngoại ngữ?
Thật ra, rất khó để đặt lên bàn cân so sánh đâu mới là trường đào tạo ngoại ngữ "xịn xò" hơn bởi mỗi trường sẽ có những ưu - nhược điểm riêng. Vị thế của cả hai ngôi trường này đã được chứng minh trong một khoảng thời gian dài, vậy nên việc được học tại một trong hai ngôi trường này đều thực sự đáng tự hào rồi. Dựa vào các yếu tố được cung cấp ở dưới đây, hãy lựa chọn môi ngôi trường phụ thuộc với bản thân nhé!
1. Chương trình đào tạo
- Đại học Ngoại ngữ: Theo thông tin chính thức của ULIS, năm 2023 trường tuyển sinh 8 ngành ngôn ngữ, gồm: Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc (chương trình chất lượng cao) và Ả Rập, Nga (chương trình chuẩn). Và một ngành học mới là Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia.
Các chương trình đào tạo chuẩn ngành Sư phạm bao gồm: Sư phạm Anh, Sư phạm Trung Quốc, Sư phạm Nhật, Sư phạm Hàn Quốc. Chương trình đào tạo chính quy - liên kết quốc tế có: Kinh tế - Tài chính. Các chương trình đào tạo chuyển tiếp có: Khóa học Tiếng Hàn (1 năm, ĐH Kookmin, Hàn Quốc), Khóa học Tiếng Trung (1 năm, ĐH ChaoYang, Đài Loan, Trung Quốc). Ngoài ra còn có chương trình đào tạo bằng kép với các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đại học Hà Nội: Chỉ xét riêng về đào tạo ngôn ngữ, HANU có 10 ngành đào tạo như sau: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, trường có có rất nhiều ngành đào tạo khác như: Tài chính - Ngân hàng; Quản trị du lịch và lữ hành, Truyền thông doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh, Máy tính và công nghệ thông tin...
2. Điểm chuẩn
- Đại học Ngoại ngữ: Điểm chuẩn ULIS năm 2022 cao nhất (38,46 điểm) và thấp nhất (24,97 điểm).
Điểm chuẩn ULIS năm 2022
- Đại học Hà Nội: Điểm chuẩn năm 2022 của trường dao động từ 24 - 36,42 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Ngôn ngữ Hàn.
Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022 của Đại học Hà Nội
3. Học phí
- Đại học Ngoại ngữ: Các chương trình như Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Pháp; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Đức; Ngôn ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn Quốc kinh phí đào tạo 35 triệu đồng/ một sinh viên/ một năm (không thay đổi trong toàn bộ khóa học). Còn các chương trình đào tạo Ngôn ngữ Nga; Ngôn ngữ Ả Rập kinh phí đào tạo 12 triệu đồng/một sinh viên/ một năm.
- Đại học Hà Nội: Dao động từ 600.000 đồng/tín chỉ - 940.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này được điều chỉnh theo từng năm học và tăng không quá 15%/năm.
4. Cơ sở vật chất
- Đại học Ngoại ngữ: Nhà trường đã triển khai hàng loạt các dự án nâng cao cơ sở vật chất, trong đó có không gian tự học của sinh viên được trang trí đẹp mắt, có điều hòa, quạt, wifi và trưng bày nhiều sách để sinh viên mượn đọc. Trường cũng lắp đặt điều hòa, máy chiếu tại tất cả các phòng học. Ngoài ra, ULIS còn có hệ thống wifi miễn phí trong khu vực khuôn viên trường và rất nhiều sự cải tiến khác.
- Đại học Hà Nội: Trường Đại học Hà Nội tự hào với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập tiên tiến và hiện đại. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển của Trường. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu và sinh hoạt tại trường luôn được ưu tiên, ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện.
5. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm
- Đại học Ngoại ngữ: Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm nằm ở ngưỡng rất cao (93,02% - 100%). Theo đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành: Sư phạm Trung Quốc, Sư phạm Nhật, Sư phạm Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nga và Ngôn ngữ Ả Rập (100%). Còn ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường thấp nhất tại ULIS là Ngôn ngữ Đức (93,02%).
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ULIS năm 2021
- Đại học Hà Nội: Nắm giữ "ngôi vương" tỷ lệ sinh viên ra trường ngành ngôn ngữ có việc làm của HANU là ngành Ngôn ngữ Nhật (98,3%), tiếp theo đó là Ngôn ngữ Pháp (97,87%); Ngôn ngữ Trung (97,53%); Ngôn ngữ Hàn (97,3%)... Ngành Ngôn ngữ Bồ Đào Nha của HANU lại có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp nhất (86,2%).
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của HANU năm 2021
Kết
Trên đây chỉ là một số yếu tố giúp đánh giá một trường đại học. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cả Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hà Nội đều là những ngôi trường đào tạo ngoại ngữ hàng đầu Việt Nam. Lựa chọn theo học trường nào là tùy theo định hướng và sở thích của các thí sinh. Tuy nhiên học trường danh tiếng không thôi chưa đủ, để giỏi được ngoại ngữ phần nhiều phụ thuộc vào sự chăm chỉ của người học. Nếu bạn đỗ vào một ngôi trường danh tiếng mà lại chểnh mảng việc học tập, không tự rèn luyện kiến thức thì cũng khó lòng hái được trái ngọt.
Tổng hợp