Bộ Y tế tiếp tục nêu tên nhiều tỉnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt tỉ lệ thấp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế điểm tên nhiều tỉnh, thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 chậm cho người từ 12 tuổi trở lên.
Nhiều địa phương tiêm mũi nhắc lại Covid-19 đạt tỉ lệ thấp
Sáng 11/7, Bộ Y tế tiếp tục có thông tin về tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên. Đây là lần thứ 7 trong gần 2 tuần qua, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật về diễn biến của công tác tiêm vắc-xin mũi 3 và mũi 4 hiện đang chậm tại nhiều địa phương.
Tính đến hết ngày 10/7, tổng số có 46.321.673 mũi tiêm (đạt tỉ lệ 69,1%), trong ngày có 15 tỉnh triển khai với 17.103 người được tiêm.
Năm tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp: Hải Phòng (43,3%), Quảng Nam (45,4%), Đồng Nai (43,9%), Cà Mau (46,6%), Hậu Giang (35,5%).
Ba tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 cao: Thanh Hóa (93,8%), Bắc Giang (95,8%), Nghệ An (95,0%).
Về tiêm mũi 4: Tổng số có 5.341.144 mũi tiêm (đạt tỉ lệ 37,2%), trong ngày có 15 tỉnh triển khai với 73.965 người được tiêm.
Năm địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp: Vĩnh Phúc (17,5%), Bắc Cạn (3,6%), Nghệ An (9,8%), Phú Yên (17,3%), Đồng Tháp (8,8%).
Ba địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao: Lạng Sơn (96,5%), Cần Thơ (90,4%), Cà Mau (98,8%),
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.658.697 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,8% và tiêm nhắc 1.092.567 trẻ (12,5%).
Có 22 tỉnh, thành tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này thấp dưới 5% (ít hơn 1 tỉnh so với công bố ngày 9/7) gồm:
- Miền Bắc (12 tỉnh): Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên.
- Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam, Bình Thuận.
- Miền Nam (8 tỉnh): Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Ba tỉnh tiêm cao: Ninh Bình (47,9%), Thanh Hóa (47,3%), Tây Ninh (47,0%).
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt một số quốc gia ở châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chủng Omicron.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc, vì vậy nhiều người dân sau khi tiêm vắc-xin mũi cơ bản và đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong phòng bệnh và từ chối tiêm vắc-xin mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, hiện nay, biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang ghi nhận phổ biến trên thế giới đã xuất hiện trong cộng đồng ở nước ta. Trong khi vắc-xin hiện tại vẫn có tác dụng miễn dịch đối với 2 biến thể này, nhưng lại giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau tiêm từ 4- 6 tháng, vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương và người dân tích cực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại để tăng cường miễn dịch trước biến thể này, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc-xin phòng Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để tăng cường miễn dịch cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, quân nhân, chiến sĩ và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin cho các nhóm đối tượng cần tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm dù 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường truyền thông, vận động và tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đối với cán bộ, công nhân viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố để tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.
Lợi ích tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực bao gồm: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, thì việc tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hiện nay là hết sức cần thiết.
Như chúng ta đã biết, bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại virus gây bệnh Covid-19. Khi được tiêm vắc-xin vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một cuộc tấn công “kẻ xâm nhập” và kích thích cơ thể sản sinh ra các loại kháng thể bảo vệ cơ thể. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể người được tiêm, từ đó sẵn sàng chống lại các loại virus đã được tiêm trong vắc-xin.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ: Vắc-xin phòng Covid-19 giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại virus corona nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiêm vắc-xin là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ.
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Báo Chính Phủ, Người Lao Động)