Bà mẹ giáo viên có 2 con giành học bổng tại Úc: Tổ ấm là điểm tựa để con bay cao, bay xa
Phương pháp giáo dục hợp lý, được áp dụng theo từng giai đoạn đã giúp cô Hồng Hạnh nuôi dạy các con trở thành người có ích cho xã hội, gặt hái nhiều thành công trong học tập cũng như công việc.
Nuôi dạy con là công việc khó nhất trong cuộc đời của người làm cha, làm mẹ. Nhiều người không giữ nổi bình tĩnh trước những lỗi sai của con hay "đau đầu" khi con bước vào tuổi dậy thì. Không ít người rơi nước mắt, bất lực trước hành vi chống đối của con. Vậy nuôi con như thế nào là đúng, là khoa học, là thông minh? Có lẽ đây là câu hỏi khó trả lời và chẳng có công thức chung nào. Mỗi gia đình, mỗi phụ huynh lại có những phương pháp riêng, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của đứa trẻ.
Hãy cùng trò chuyện với cô Đặng Hồng Hạnh, 48 tuổi, sinh sống tại Đan Phượng, Hà Nội để biết thêm về những phương pháp giáo dục con cái khoa học. Hiện cô đang là giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Đan Phượng. Cô Hồng Hạnh có 2 người con trai: Con trai lớn đã tốt nghiệp Đại học tại Úc cách đây một năm, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Hiện đang làm việc tại công ty quảng cáo Selling Simplilied Group (Sydney, Úc). Chỉ sau 6 tháng, con cô đã được lên chức Manager (Quản lý).
Con thứ hai của cô hiện đang là sinh viên năm hai theo học chuyên ngành Khoa học dữ liệu tại SP Jain School of Global Management. Đây cũng là ngôi trường mà con trai cả của cô Hồng Hạnh học tập. Cả hai người con của cô đều giành được suất học bổng giá trị cao đi du học, đạt kết quả tốt trong quá trình học tập và biết đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Hai người con là niềm tự hào lớn nhất của cô. Để có được trái ngọt như vậy, cô Hồng Hạnh đã có những cách nuôi dạy con cực thông minh!
Cô Hồng Hạnh có phương pháp nuôi dạy con thông minh.
5 MẸO NHỎ GIÚP CON "HÓA RỒNG HÓA PHƯỢNG"
- Thưa cô, đâu là những phương pháp giáo dục con khoa học mà cô đã áp dụng?
Mỗi đứa trẻ có hoàn cảnh, nền tảng gia đình khác nhau nên sẽ có những phương pháp riêng. Bên cạnh đó, nuôi dạy con theo từng giai đoạn rất quan trọng bởi ở mỗi thời kỳ, con sẽ có năng lực và nhận thức riêng. Tôi theo các giai đoạn như sau:
Bậc Mẫu giáo: Tôi không bắt con học chữ trước, không tạo áp lực. Tôi cho các con học ở trường công lập gần nhà, chứ không phải cơ sở có chi phí đắt đỏ. Cuối tuần, vợ chồng tôi dành thời gian đưa con đi chơi, đi thăm sở thú, đi về vùng nông thôn để khám phá thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, đây là thời điểm học ngôn ngữ mới rất tốt nên tôi cho con nghe bài hát, xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh để con phát triển tự nhiên. Ngoài ra, tôi khuyến khích các con tham gia những trò chơi dân gian để giải trí sau buổi học căng thẳng.
Vợ chồng cô Hồng Hạnh luôn chú trọng đến việc nuôi dạy con cái.
Bậc Tiểu học: Hình thành thói quen đọc sách cho con bằng việc dẫn đi mua sách vở, truyện tranh, truyện tiếng Anh. Lương 2 vợ chồng rất eo hẹp nhưng tôi vẫn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con. Ngoài ra, vì con vẫn còn nhỏ nên tôi phải sát sao đến việc học tập. Tôi luôn nắm rõ thời khóa biểu của con để nhắc nhở con hoàn thành bài tập, giúp con trang trí sách vở để con hiểu được tầm quan trọng của việc học. Đối với những bài khó không giải được, tôi khuyến khích con mang đi hỏi bạn bè, người thân, thầy cô giáo đến khi hiểu mới thôi.
Con không cần học nhiều nhưng cần nghiêm túc hoàn thành bài tập thầy cô giao. Sau khi hoàn thành, tôi để con ra ngoài chơi với các bạn để con thoải mái, vui vẻ. Những trò chơi các con thường xuyên chơi cùng các bạn như: Cờ vua, cờ tướng, rubic giúp con vừa giải trí, vừa phát triển tư duy, nâng cao phản xạ.
Bậc THCS, bậc THPT: Ngoài học tập, tôi chú trọng dạy con làm việc nhà để biết chăm sóc bản thân. Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất vẫn là việc học. Con phải tự giác trong học tập, chỉ đi học thêm các môn thấy cần. Và tôi cũng giúp con xin học thêm các thầy cô vững vàng chuyên môn, phù hợp với năng lực của con.
Hai con trai của cô Hồng Hạnh đang sinh sống tại Úc.
- Bí quyết để giúp các con ham học của cô là gì?
Rèn thói quen tự học ngay từ lúc bé: Các con của tôi phải tự giác tìm tòi kiến thức qua việc đọc sách và các khóa học online trên Internet. Đây là kim chỉ nam trong giáo dục mà tôi đã áp dụng. Cách này giúp con chủ động trong học tập, không phải đi học thêm nhiều nơi, không mất thời gian di chuyển. Tiếp đến, tôi hướng dẫn con đặt các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn. Kế hoạch phải rõ ràng từng tuần, từng tháng, từng năm.
Không áp lực thành tích, điểm số: Khi con không đạt được kết quả như mong đợi trong các kỳ thi, tôi luôn động viên, khích lệ để lần sau con nỗ lực làm tốt hơn. Tôi không chê bai, mắng mỏ, chỉ giúp con nhận ra điểm yếu để khắc phục. Không áp lực cho con cũng là không áp lực cho mình. Tôi không có suy nghĩ: "Mình là giáo viên, con mình phải học tốt nhất, giỏi nhất". Mỗi đứa trẻ có một năng lực học tập khác nhau, tôi không xấu hổ hay ái ngại khi con bị điểm thấp hơn đứa trẻ khác.
Khen thưởng kịp thời: Khi con đạt điểm tốt hay được giải thưởng trong các cuộc thi, tôi thường nói với con rằng: "Con đã làm rất tốt, mẹ tự hào về con", "Con cố gắng giữ vững phong độ nhé, chúc mừng con",… Những câu nói đơn giản nhưng mang lại giá trị cao về mặt tinh thần, giúp con cảm thấy hãnh diện, phấn khởi. Ngoài ra, tôi còn thưởng cho con các phần quà như: Cuốn sách, cuốn truyện yêu thích, được ra ngoài đi chơi với các bạn,…
Không so sánh con với những đứa trẻ khác: Tôi không so sánh con với bạn bè đồng trang lứa bởi điều này chỉ khiến con cảm thấy áp lực, căng thẳng. Tuy nhiên, tôi khéo léo kể cho con nghe những tấm gương học tập, gương vượt khó để con cố gắng nhiều hơn.
Động viên con tham gia các cuộc thi: Tôi luôn động viên con tham gia các cuộc thi kiến thức và phong trào thể dục thể thao, văn nghệ. Hai con nhà tôi đều tham gia các cuộc thi dance sport (nhảy hiện đại) lớn nhỏ và có giải thưởng. Những hoạt động bổ ích sẽ giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp và có thể lực tốt. Tuy con tham gia nhiều hoạt động nhưng tôi không lo con học hành chểnh mảng. Bởi tôi đã hướng dẫn con quản lý thời gian khoa học từ nhỏ.
KHÔNG CHỈ HỌC GIỎI, CON CẦN PHẢI TRỞ THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ
- Ngoài các cách giúp con học tập tốt, cô đã có phương pháp gì trong việc định hình tính cách, lối sống cho con?
Không có phương pháp gì cao siêu, chỉ cần bố mẹ luôn là tấm gương để con noi theo và học tập. Vợ chồng tôi luôn cư xử nhẹ nhàng, nho nhã, quan tâm đến các thành viên trong gia đình. Chồng tôi thường tặng quà cho vợ vào dịp lễ Tết để các con nhìn vào học tập. Ngoài ra, tôi dạy con phải biết nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm, phải nhận thức được lỗi sai. Và con cần nói lời cảm ơn khi ai đó giúp đỡ.
Tôi cũng dạy con phải chịu trách nhiệm trước những việc con làm. Dạy con tính trung thực, thật thà, không tham lam. Để giúp con trở thành người tử tế, biết quan tâm, yêu thương người khác, tôi dặn con luôn giúp đỡ mọi người xung quanh. Đôi khi, đó chỉ là hành động đơn giản như giảng bài cho bạn, giúp cụ già qua đường, giúp người khuyết tật mang đồ,… Con giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân.
Nhờ cách giáo dục này, các con đều học được cách quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu mọi người. Con thường xuyên gọi điện về cho gia đình, mua thuốc bổ cho ông bà và bố mẹ, mua quà tặng mẹ dịp lễ Tết,… Những hành động nhỏ nhưng thể hiện con là người có trái tim ấm áp, biết suy nghĩ thấu đáo.
- Trong quá trình nuôi dạy con, đâu là giai đoạn khó khăn nhất mà cô gặp phải?
Đó là khi con bước vào tuổi dậy thì. Lúc đó, tôi phải sát sao hơn, dành nhiều thời gian tâm sự cùng con để phát hiện khúc mắc và giải quyết. Ngoài ra, tôi cũng quản lý giờ giấc chặt hơn. Con đi đâu, mấy giờ về phải báo cáo nghiêm chỉnh.
Tuy nghiêm khắc nhưng tôi vẫn coi con là người bạn để con tâm sự mọi chuyện đang gặp phải. Vì thế, ở giai đoạn này, tôi không phải cầm cái roi nào để dạy con, chỉ giáo dục bằng sự lời nói nhẹ nhàng, gần gũi.
Ngoài ra, khi các con bước vào tuổi dậy thì, con sẽ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Tôi không cấm cản, chỉ khuyên các con giữ sự trong sáng. Xét về mặt tích cực, chuyện tình cảm cũng là động lực để con cố gắng hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn phải quản lý cẩn thận kẻo ảnh hưởng đến việc học. Tôi vẫn nói rằng, với con trai, sự nghiệp là điều rất quan trọng. Con đừng đi quá giới hạn bởi sẽ xảy ra hậu quả, ảnh hưởng đến cả cuộc đời và liên lụy đến người xung quanh.
- Sau cùng, cô mong các con sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?
Tôi chỉ mong các con có cuộc sống hạnh phúc, bình an, thành công với những lựa chọn của mình. Tôi không yêu cầu con phải trở thành ông nọ bà kia, chỉ cần con vui vẻ. Và tôi mong con có cuộc gia đình hạnh phúc – tổ ấm sẽ là điểm tựa để con bay cao bay xa trong hành trình chinh phục những mục tiêu mới.