4 loại rau là “thuốc bổ tim” tự nhiên, hạ mỡ máu hiệu quả được bác sĩ tim mạch Mỹ khuyên dùng
Những loại rau này đều dễ dàng tìm mua ở chợ Việt hoặc các siêu thị, giúp chế độ ăn hàng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tiến sĩ Elizabeth Klodas là bác sĩ tim mạch Mỹ từng được đào tạo phòng khám nổi tiếng Mayo Clinic và ĐH danh tiếng về ngành Y Johns Hopkins (Mỹ). Theo bác sĩ Klodas, những thực phẩm mọi người ăn hàng ngày có vai trò chính trong việc giữ lượng cholesterol thấp. Chỉ một số cải thiện nhỏ có thể giúp giảm đáng kể lượng cholesterol LDL hay còn gọi là cholesterol “xấu”, tác nhân gây tích tụ mỡ trong động mạch.
Bác sĩ Elizabeth Klodas thường xuyên ăn 4 loại rau này để giúp giảm mỡ máu và giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Súp lơ
Súp lơ chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp loại rau này trở thành thực phẩm tuyệt vời để đối phó với cholesterol cao. Loại rau này cũng chứa một hợp chất giàu lưu huỳnh gọi là sulforaphane giúp giảm mức chất béo trung tính, giảm cholesterol trong máu, giúp giữ cho động mạch tránh khỏi sự tích tụ chất béo.
Một nghiên cứu gần đây do Viện Khoa học Sinh học Norwich (Vương quốc Anh) thực hiện đã phát hiện ra bông cải xanh có thể làm giảm mức cholesterol LDL trong máu khoảng 6%. Theo các nhà nghiên cứu, bông cải xanh sống có lượng sulforaphane cao hơn khoảng 10 lần so với bông cải xanh nấu chín. Hấp rau từ 1 - 3 phút có thể giữ lại tối đa lượng dưỡng chất trong loại rau này.
Súp lơ chứa nhiều vitamin C, vitamin K, vitamin B6, folate, canxi, magiê, kali, sắt, phốt pho và protein. Loại rau này còn là nguồn chất chống oxy hóa tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư, thúc đẩy xương chắc khỏe và cải thiện trí nhớ.
Rau chân vịt (cải bó xôi)
Rau chân vịt là loại rau chứa đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu như chất xơ, sắt và chất chống oxy hóa carotenoid, giúp loại bỏ lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Nhờ đó việc thường xuyên ăn loại rau này có thể ngăn ngừa các cơn đau tim, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
Cải bó xôi có canxi, mangan và vitamin K, rất quan trọng cho sự phát triển và giúp cho xương khỏe mạnh, tránh nguy cơ loãng xương. Lượng sắt dồi dào trong loại rau này giúp giảm nguy cơ thiếu máu. Ngoài ra, rau chân vịt còn được chứng minh có khả năng tăng cường hệ miễn dịch nhờ vitamin C, vitamin E và magiê cũng như giữ cho đôi mắt khỏe mạnh do có chứa hàng lượng vitamin A. Cải bó xôi còn là lựa chọn phù hợp cho người muốn giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Cải Brussels (bắp cải tí hon)
200g rau cải Brussels chứa khoảng 6g chất xơ hòa tan. Các nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng chất xơ hòa tan của bạn lên ít nhất từ 5 đến 10g mỗi ngày có thể làm giảm cholesterol từ 3-5%. Ngoài ra, cải Brussels còn có lượng calo thấp, giàu vitamin K và vitamin C, folate mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.
Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe xương, chỉ 1 khẩu phần ăn cải brussels đã đáp ứng 91% lượng vitamin K hàng ngày cần thiết. Vitamin C có trong loại rau này là chất chống oxy hóa thúc đẩy hấp thu sắt, làm lành nhanh các vết thương. Bên cạnh đó, chất xơ dồi dào trong cải Brussels còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Theo Healthline, việc tăng cường ăn các loại rau họ cải, bao gồm cả cải Brussels có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Rau cải rổ
Loại rau cuối cùng được tiến sĩ Elizabeth Klodas khuyên dùng giúp làm giảm cholesterol trong máu là rau cải rổ. Cải rổ thuộc cùng họ với cải xoăn , bông cải xanh, bắp cải, cải Brussels và cải thìa.
Loại rau này cung cấp lượng vitamin A, K, B-6 và C dồi dào, canxi, sắt và magie. Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Rachel Lustgarten, lợi ích sức khỏe nổi bật của rau cải rổ là giảm nguy cơ ung thư và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhờ hàm lượng chất xơ cao, cải rổ có tác dụng tốt đối với cả huyết áp và cholesterol, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của tim.
Lượng vitamin A, vitamin C có trong loại rau này còn giúp mái tóc bóng mượt hơn, giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và cải thiện làn da. Hàm lượng choline trong rau cải rổ cũng giúp bạn ngủ ngon và hoạt động hiệu quả hơn nếu duy trì chế độ ăn nhiều rau. Luộc và hấp sẽ giúp loại rau này giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng nhất so với các phương thức chế biến khác.