Nghị định 65 - Thêm một bước bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Nhận định về Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, dù còn một số quy định khá ngặt nghèo nhưng về cơ bản đã thực hiện đúng tinh thần Chính phủ và tư tưởng chủ đạo là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệ
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tiêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định có nhiều điểm mới, tác động đến 3 nhóm đối tượng: Người mua trái phiếu, doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý hoạt động phát hành trái phiếu.
Một số điểm mới nổi bật được thị trường chú ý ngay lập tức khi Nghị định 65 được ban hành là quy định chặt chẽ về nhà đầu tư chuyên nghiệp; việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành; và một điều quan trọng là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với một bộ phận doanh nghiệp phát hành vào đầu năm 2023.
Nghị định 65 ban hành khiến các nhà đầu tư nửa mừng nửa lo, mừng vì Nghị định chính thức ban hành sẽ tạo một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ - hiện chiếm chủ yếu trong hoạt động phát hành trái phiếu nhưng cũng lo ngại vì những quy định chặt chẽ hơn có nguy cơ bóp nghẹt thị trường trái phiếu vốn còn non yếu, chỉ vừa mới qua một giai đoạn tăng trưởng nóng.
Để có thêm góc nhìn về thiết kế chính sách trong Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trọng Hiếu.
Nghị định 65 vừa được ban hành, tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xin ông cho biết ý kiến của mình về các điểm mới của Nghị định 65?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Thủ tướng yêu cầu "không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế"; thị trường vốn cần được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Điều này đã được thể hiện rõ khi thiết kế các quy định liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong Nghị định 65.
Về cơ bản, Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 đã giữ lại được những quy định tốt, góp phần xử lý những sai phạm của Tân Hoàng Minh và sửa được những kẽ hở, quy định chưa tốt, thiếu sót của Nghị định 153.
Cụ thể, Nghị định 65 đã nâng mệnh giá trái phiếu lên 100 triệu đồng; nhà đầu tư chuyên nghiệp cần nắm giữ danh mục chứng khoán có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, phù hợp với tinh thần của Nghị định 153 là phát hành riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải nhà đầu tư.
Đáng chú ý, Nghị định 65 có bổ sung mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp, thể hiện rõ tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần hiểu đúng về hoạt động đảo nợ. Đây là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nền kinh tế, đặc biệt khi thế giới vừa trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19. Cần hiểu rằng, khi tài sản, dự phòng của doanh nghiệp còn, các chỉ số hoạt động vẫn tốt, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc đảm bảo nguồn máu lưu thông cho doanh nghiệp hoạt động là rất cần thiết.
Trước khi Nghị định 65 được ban hành, có nhiều góp ý xung quanh quy định "mục đích sử dụng vốn", đa phần các chuyên gia cho rằng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, nên để cho doanh nghiệp có quyền tự do lưu chuyển vốn trong các hoạt động của cùng một công ty, sao cho sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, Nghị định 65 yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục đích phát hành, ông đánh giá thế nào về quy định này, liệu có cản trở hoạt động của thị trường thời gian tới?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Nghị định 65 có quy định "việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư" nhằm kiểm soát dòng vốn của doanh nghiệp. Có thể đánh giá quy định này hơi ngặt nghèo, thiên về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, can thiệp sâu vào quản trị doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải tách bạch được "đồng nào mua mắm thì phải mua mắm, còn đồng nào mua muối thì phải mua muối".
Theo tôi đánh giá, đây cũng là một hạn chế của Nghị định này nhưng hiện nay cũng chưa tìm ra phương án nào khả dĩ để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ thì buộc phải chấp nhận quy định của cơ quan quản lý.
Nếu đặt vấn đề có khó khăn cho doanh nghiệp hay không thì chắc chắn là có trong bối cảnh hiện tại nhưng doanh nghiệp muốn có tiền thì buộc phải khắc phục. Trước đây có thể tự do lưu chuyển dòng tiền từ dự án này qua dự án khá thì nay cần đẩy nhanh tiến độ một dự án, sau khi xong dự án này thì tiếp tục làm dự án khác. Nhà nước chỉ đóng vai trò là trọng tài, đảm bảo các cầu thủ trên sân chơi đúng luật đã đề ra.
Theo quy định của Nghị định 65, có yêu cầu về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trên 500 tỷ đồng/12 tháng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu từ đầu năm 2023, Ông đánh giá thế nào về quy định này?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Phát hành trái phiếu là theo nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, để xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, khi vay vốn ở các TCTD không phù hợp (vốn ngân hàng sẽ chủ yếu phục vụ ngắn hạn, phù hợp với bổ sung vốn lưu động thay vì mục đích đầu tư).
Khi tham gia góp ý Nghị định 65, các đơn vị đều đã hiểu được năng lực xếp hạng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Nếu hiểu theo cách phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm 2023 thì kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể do các cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng và các tổ chức cá nhân được Bộ Tài chính cấp phép.
Thực tế, nếu xét theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia thì xếp hạng tín nhiệm không cần phải bắt buộc, đó là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xếp hạng tín nhiệm không phải luật mà là thông lệ để đánh giá sức khoẻ của doanh nghiệp, dự án.
Vì sao đưa quy định xếp hạng tín nhiệm vào Nghị định 65? Một phần do thị trường của chúng ta chưa hoàn chỉnh, số lượng công ty xếp hạng tín nhiệm chưa đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Vì vậy, có thể hiểu, xếp hạng tín nhiệm cũng là đánh giá chất lượng tài chính thông qua cơ quan quản lý, khi nhà nước chấp nhận phương án phát hành của doanh nghiệp, bán trái phiếu ra thị trường, thì có nghĩa là doanh nghiệp đó đủ sức khoẻ. Những đánh giá ấy được các cơ quan quản lý thông qua các chỉ số doanh nghiệp, dự án đầu tư để đánh giá.
Xin cảm ơn ông!