Bốn nghị quyết, một khát vọng đưa Việt Nam bứt phá
Bốn nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới thể chế, hội nhập, công nghệ và kinh tế tư nhân đang tạo thành "bộ tứ chiến lược" với khát vọng đưa Việt Nam bứt phá.
Bốn nghị quyết gồm: Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59, về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66, về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68, về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng đã hình thành "bộ tứ chiến lược" có mối liên hệ vững chắc, hình thành một chỉnh thể tư tưởng được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là "bộ tứ trụ cột". Đó là nền tảng tư duy cho một mô hình phát triển mới của Việt Nam trong bối cảnh chuyển động nhanh, rộng và sâu của thời đại.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại triển lãm kinh tế tư nhân ngày 18/5/2025. Ảnh: Đức Nghĩa |
Từ thể chế đến thị trường
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao “bộ tứ chiến lược” gồm 4 nghị quyết quan trọng được Bộ Chính trị ban hành chỉ trong vòng 5 tháng, trong đó:
Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, yếu tố được xem là động lực tiên quyết để tăng tốc phát triển.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Nghĩa |
Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nghị quyết 66 về đổi mới công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý ổn định, thông thoáng, thúc đẩy phát triển.
Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực hiện đóng góp hơn 51% GDP và 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định rằng các nghị quyết này có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau như những trụ cột để tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Đây không chỉ là những chính sách đơn lẻ, mà là bước ngoặt trong tư duy và nhận thức, tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng phát triển kinh tế mới của đất nước.
Theo đại biểu, nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay và tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi để đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng và nguyện vọng của toàn dân, thì phải bứt phá, đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhưng đang đối mặt với nhiều rào cản về thể chế, pháp lý, môi trường kinh doanh.
"Phải có sự tăng tốc đó thì chúng ta mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập nước, chúng ta trở thành nước phát triển thu nhập cao và sánh vai với các cường quốc năm châu như điều mà Bác Hồ mong muốn thì mới có thể thành hiện thực"- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đối với Nghị quyết 57, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, để tăng tốc nhanh Việt Nam phải lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực xuyên suốt. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ từ y tế, giáo dục đến thương mại... đều cần ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả.
![]() |
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là "chìa khóa" để nâng cao năng suất và hiệu quả. Ảnh: Lê Tất Tiên |
"Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn tăng trưởng đều, bình quân khoảng 6,4–6,5%, cao nhất năm 1995 là 9,54%, thấp nhất là 2,6% vào năm đại dịch 2021. Nhưng để “tăng tốc, cất cánh”, cần phải vượt ngưỡng 8–10% và giữ vững đà này. Đây là lý do vì sao Nghị quyết 57 lại mang ý nghĩa chiến lược đến vậy" - đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, với 17 FTA đã ký kết, Việt Nam phải chủ động tận dụng cơ hội nhưng cũng phải kiên định giữ vững các nguyên tắc phát triển bền vững, độc lập, tự chủ, theo đúng định hướng của Nghị quyết 59.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chủ trương này, ông khẳng định rằng phải tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Pháp luật là nền tảng để phát triển, nếu thể chế không thông thoáng, minh bạch và ổn định thì không thể tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị.
“Nghị quyết 66 được xem là kim chỉ nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm cả việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để rà soát, đồng bộ, chống chồng chéo trong các văn bản pháp lý”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bước khởi đầu cho cuộc cách mạng phát triển mới
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, “bộ tứ chiến lược” là nền tảng quan trọng để tạo nên đột phá thực chất, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững. Đây là bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng phát triển mới, không chỉ bằng chính sách mà còn bằng một tư duy phát triển hiện đại, tích hợp và chủ động.
![]() |
Quốc hội sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát, hệ thống hóa các luật nhằm tránh tình trạng chồng chéo. Ảnh minh họa: QH |
Chia sẻ về vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội để các chủ trương, chính sách đi vào thực chất, đại biểu nhấn mạnh rằng Quốc hội phải thể chế hóa nhanh các nghị quyết của Đảng bằng các bộ luật phù hợp, đồng thời giám sát chặt việc triển khai thực hiện.
Đại biểu cho hay, để tăng hiệu năng, hiệu quả của công tác lập pháp, giám sát thì việc áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát, hệ thống hóa các luật nhằm tránh tình trạng chồng chéo, là một bước đi quan trọng.
![]() |
Phát triển kinh tế biển được kỳ vọng sẽ tăng tốc thời gian tới. Ảnh: Thu Hường |
"Điều này cho thấy chúng ta đã vận dụng toàn diện các chính sách để xây dựng một thể chế thông minh, linh hoạt và thúc đẩy phát triển. Khi xâu chuỗi các nghị quyết, rõ ràng đã trở thành một “bộ tứ trụ cột”, một “bộ tứ chiến lược” cho sự phát triển của đất nước, thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bốn nghị quyết tập trung đột phá vào 4 lĩnh vực, song không tách rời nhau mà gắn kết chặt chẽ với nhau, là “tổ hợp” chính sách có tính kiến tạo, thống nhất và bổ trợ lẫn nhau. |