Chạy nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Gần một tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi đánh dấu lần đầu tiên áp dụng toàn diện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trước những thay đổi lớn về hình thức và nội dung, các trường THPT trên cả nước đang bước vào giai đoạn “nước rút” với nhiều chiến lược ôn tập đồng bộ, sát thực tế và linh hoạt theo từng nhóm học sinh.
Điều chỉnh kế hoạch ôn tập
Điểm mới của kỳ thi năm nay là đề thi được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực, tích hợp liên môn và tăng cường tính phân hóa. Theo đó, phương pháp “học tủ”, học lệch không còn phù hợp. Thay vào đó, học sinh phải nắm chắc kiến thức nền tảng, biết liên hệ thực tế và rèn luyện khả năng tư duy.
Tại Hà Tĩnh, kết quả kỳ thi thử đầu tiên chưa đạt kỳ vọng đã giúp các nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp hơn. Nhiều trường như: THPT Mai Thúc Loan, THPT Thành Sen, THPT Kỳ Anh... đã thiết kế lộ trình ôn tập riêng biệt cho từng nhóm học sinh. Em Phan Thị Huyền Trang, học sinh Trường THPT Mai Thúc Loan chia sẻ: “Do không lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa, môn Văn trong kỳ thi 2025 yêu cầu học sinh phát triển kỹ năng cảm thụ, phân tích ngữ cảnh và liên hệ thực tiễn. Học sinh cần luyện viết nhiều dạng bài, đặc biệt là bài nghị luận xã hội gắn với đời sống. Em đã chuyển hướng học môn Văn theo chiều sâu, thay vì học thuộc lòng, em tìm hiểu cách lập luận, dẫn chứng và rèn kỹ năng viết bài đa dạng theo từng đề tài”.
![]() |
Thầy và trò Trường THCS-THPT Phenikaa trong giờ học. |
Theo thầy giáo Lê Viết Lượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan, Chương trình GDPT mới không đơn thuần là điều chỉnh chương trình mà là điều chỉnh cách học, tư duy, năng lực người học. Do đó, nhà trường bảo đảm chương trình học cơ bản. Thầy, cô giáo tổ chức phụ đạo phù hợp, đồng thời khuyến khích tinh thần tự học, rèn luyện kỷ luật cá nhân trong giai đoạn cao điểm.
Bên cạnh đó, các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cũng đẩy mạnh hình thức học kết hợp trực tiếp-trực tuyến, như Hà Tĩnh, Vĩnh Long và Cao Bằng, nhằm hỗ trợ học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nội dung ôn thi một cách thuận lợi. Những lớp học trực tuyến được tổ chức đồng bộ, kết nối nhiều điểm cầu, giúp học sinh học hỏi và tương tác hiệu quả ngay cả khi không có điều kiện học trực tiếp. Với gần 12.000 học sinh lớp 12, tỉnh Vĩnh Long triển khai gần 35.700 tiết ôn tập miễn phí tại hơn 1.300 lớp. Các tiết học vẫn được duy trì dù số lượng học sinh rất ít, cho thấy quyết tâm hỗ trợ toàn diện. Giáo viên được khuyến khích hỗ trợ ôn thi miễn phí, đồng thời vận dụng công nghệ số như Zoom, K12Online, Azota... để tăng hiệu quả học tập.
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, là năm đầu tiên học sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, với nhiều thay đổi nên các cơ sở giáo dục cũng gặp không ít khó khăn về thời lượng ôn tập, kinh phí để tổ chức ôn thi. Tuy nhiên, nhiều trường đã động viên giáo viên phát huy tinh thần, trách nhiệm, ưu tiên bố trí nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ ôn tập; đồng thời vận động giáo viên ôn tập miễn phí cho học sinh. Điều này đã được giáo viên hưởng ứng tích cực.
Chinh phục đề thi đổi mới
Với đề thi mang tính phân hóa cao, yêu cầu vận dụng và tư duy, việc ôn tập theo kiểu “nhồi nhét” không còn hiệu quả. Nhiều giáo viên đã chia sẻ những phương pháp ôn luyện thực tế cho từng môn học, giúp học sinh chủ động học tập một cách khoa học và bền vững. Cô giáo Phạm Thị Ngọc Lan, Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội khuyến khích học sinh hệ thống kiến thức môn Địa lý theo chủ đề và sử dụng sơ đồ tư duy, từ khóa để nắm chắc trọng tâm. Phân chia kiến thức theo các mảng: Địa lý tự nhiên, dân cư, ngành kinh tế và vùng kinh tế... giúp học sinh dễ liên hệ, xử lý các câu hỏi thực tiễn. Với đề thi trắc nghiệm, học sinh cần làm quen nhiều dạng câu hỏi, luyện kỹ năng đọc câu hỏi, loại trừ phương án sai và vận dụng kiến thức nền tảng để trả lời chính xác. Ngoài ra, kỹ năng tính toán, xử lý số liệu và ghi nhớ các công thức theo chủ đề cũng rất cần thiết.
Thầy giáo Nguyễn Văn Toàn, Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội đưa ra lộ trình ôn thi khoa học theo 3 giai đoạn: Củng cố lý thuyết, công thức bằng sơ đồ tư duy. Luyện đề từ cơ bản đến nâng cao, rèn kỹ năng vận dụng. Làm đề thi thử dưới áp lực thời gian thật để điều chỉnh chiến lược làm bài. Thí sinh nên tận dụng các nền tảng luyện thi trực tuyến và video bài giảng để học tập hiệu quả. Việc kết hợp học nhóm, tự học và luyện tập độc lập sẽ giúp tăng khả năng phản xạ và phân tích đề thi.
Diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi (tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chuyển chức năng thanh tra Bộ GD-ĐT về Thanh tra Chính phủ), Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đặc biệt quan trọng của ngành GD-ĐT. Bộ GD-ĐT đã ban hành gần 18 bộ đề tham khảo, cùng hệ thống câu hỏi minh họa là cơ sở để học sinh làm quen với cấu trúc đề mới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý công tác ra đề thi phải bảo đảm đánh giá đúng năng lực thực hiện Chương trình GDPT 2018, thể hiện rõ độ phân hóa để phục vụ tốt cả mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Đồng thời, cần huy động đầy đủ đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm, bảo đảm quy trình ra đề chặt chẽ, khách quan, an toàn tuyệt đối.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không chỉ là cuộc kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là bước chuyển lớn trong định hướng giáo dục hiện đại. Việc đổi mới phương pháp ôn tập, tích cực hỗ trợ học sinh và khuyến khích khả năng tự học, tự thích nghi đang là chìa khóa để hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Bài và ảnh: TƯỜNG VÂN