Hôm nay 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Sáng 15/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí, nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ưu đãi về dầu khí, quản lý nhà nước về dầu khí…
Các ý kiến phát biểu hầu hết nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm góp phần thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, đặc biệt là khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu nguồn tài nguyên hóa thạch quốc gia. Phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế, gắn chặt với bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng Việt Nam trên biển, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH. |
Theo ý kiến của các đại biểu, sửa luật phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng. Việc sửa luật còn nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành. Dự thảo luật cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành, tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam để tránh chồng chéo.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sáng 15/6. Ảnh: VPQH. |
Theo các đại biểu, dự thảo luật lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; đồng thời nêu rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí các chính sách ưu đãi đầu tư mới chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.
Do đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng thì lên thiết kế ngay trong luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản. Lưu ý khi thiết kế chính sách này cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
Có ý kiến cho rằng, trên thực tế chúng ta đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, hoạt động dầu khí, kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này. Một số nội dung có đề cập rải rác trong dự thảo luật còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí. Vì vậy, cần thiết kế dành riêng một chương về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân./.
Lâm Anh