Khởi động dự án chống buôn bán động vật hoang dã, ứng phó biến đổi khí hậu
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa khởi động dự án mới về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và ký thỏa thuận hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới.
Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hợp tác với Bộ NNPTNT để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp”, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu tại sự kiện.
Đại diện Bộ NNPTNT và USAID cùng bấm nút khởi động Dự án bảo vệ các loại động vật nguy cấp.
Thứ trưởng NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Việc thực hiện hiệu quả Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.
Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt, buôn bán trong nước, quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn.
Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC (Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động vật Hoang dã)và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).
Cũng tại sự kiện, USAID và Bộ NNPTNT đã mở ra một chương mới trong hợp tác về các vấn đề môi trường giữa hai cơ quan. Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng NNPTNT Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên (gọi là Thỏa thuận tài trợ khung có giới hạn phạm vi) về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL giai đoạn 2022-2027.
Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NNPTNT giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại ĐBSCL, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.
“Tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa USAID và Bộ NNPTNT trong nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong nông nghiệp. Giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tôi cũng biểu dương USAID và Bộ NNPTNT về sự hợp tác trong chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Mỹ tự hào là đối tác của Việt Nam trong nỗ lực này”, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman chia sẻ.