Bình Thuận phấn đấu sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt, công nghiệp được định hướng là ngành, lĩnh vực quan trọng của địa phương. Theo đó, Bình Thuận tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có lợi thế của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng; tạo điều kiện, triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Bình Thuận phấn đấu sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Ảnh Nguyễn Thanh/Vietnam+ |
Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận, để tăng dần tỷ trọng ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới, địa phương cần tập trung một số giải pháp phát triển về pháp lý, hạ tầng…
Trước hết trong Quy hoạch tỉnh đã có phương án phát triển hạ tầng công nghiệp – thương mại. Qua đó, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, tạo thêm quỹ đất để thu hút các dự án phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ.
Song song đó, đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp; sớm triển khai hình thành khu công nghiệp- dịch vụ- đô thị Hàm Tân – La Gi và khu công nghiệp Tân Đức.
Đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, công nghiệp sạch, sử dụng nhiều nguyên liệu,linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, cơ khí, điện tử và công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh.