Phiên tòa trực tuyến: Nhu cầu tất yếu của xã hội
Hoàn toàn ủng hộ phiên tòa trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng việc này cần phải làm từ lâu.
Nhu cầu tất yếu, tiết kiệm chi phí xã hội
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Trần Công Phàn - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam dẫn báo cáo của kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối năm 2021, các cơ quan tư pháp đã rất nỗ lực, nhiều chỉ tiêu công tác đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Số vụ tòa tuyên không phạm tội là không có, không có án oan, tỷ lệ phá án cao hơn, tỷ lệ giải quyết đơn thư tốt hơn, kháng nghị tốt hơn…
Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp cũng kịp thời hướng dẫn, xử lý vụ việc, tội phạm liên quan Covid, xét xử nhanh nhằm đảm bảo tính tuyên truyền, răn đe, giáo dục tội phạm kịp thời. Hoạt động của các cơ quan tư pháp góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong điều kiện khó khăn chung của toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế.
Xuất phát từ bối cảnh dịch bệnh và sự phát triển của khoa học công nghệ, ông Trần Công Phàn cho rằng, việc hình thành Tòa án điện tử là điều tất yếu, trong đó có phiên tòa trực tuyến. Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia thì việc này nên làm từ lâu. Lý do, một số nước khác đã triển khai mô hình xét xử trực tuyến từ lâu. Hiện tại, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, áp dụng từ 1/1/2022.
Tiến tới thực hiện Tòa án điện tử, các đạo luật về tố tụng Tư pháp (Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến (Ví dụ: Bộ luật Tố tụng Hình sự đã bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử; Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính đã cho phép thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện các thủ tục tố tụng, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, khởi kiện đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử).
“Điều này minh chứng cho việc các cơ quan tư pháp có những cố gắng, có những đề xuất sửa đổi để hoạt động của ngành mình vừa đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật nhưng vừa đảm bảo thích ứng với tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19”, ông Trần Công Phàn phát biểu.
Không chỉ là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.
Trả lời câu hỏi “Việc áp dụng phiên tòa trực tuyến có ảnh hưởng hoặc hạn chế quyền tham gia, tác nghiệp của phóng viên, nhà báo hay không?”. Quan điểm của Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Việc này không hề ảnh hưởng tới quyền đưa tin của cơ quan thông tấn báo chí.
Trực tuyến không có nghĩa là không công khai, mọi người vẫn được quyền tham gia. Theo quy định của pháp luật, phóng viên, nhà báo được đến trụ sở chính, nơi có HĐXX điều hành phiên xét xử. Tuy nhiên, nếu đã xét xử trực tuyến trên không gian mạng thì cơ quan báo chí cũng cần được tiếp cận vụ án trên không gian mạng; nói cách khác là cơ quan báo chí cũng cần được cấp đường link để theo dõi phiên tòa trực tuyến này. Như vậy mới đảm bảo tính kịp thời và tính công khai minh bạch. Trong khi đó, cơ quan báo chí có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu bảo mật.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam rất đồng tình việc áp dụng Tòa án điện tử, trong đó có phiên tòa trực tuyến và kỳ vọng vào bước đột phá trong công tác xét xử của ngành tư pháp.
“Trong quá trình áp dụng phiên tòa trực tuyến sẽ khó tránh khỏi việc gặp phải những vấn đề vướng mắc, song chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công tác xét xử”, ông Trần Công Phàn phát biểu.
Quan trọng nhất là khả năng thích ứng của người dân
Cùng thảo luận về chủ đề này, Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Theo sự phát triển của xã hội, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc hình thành Tòa án điện tử là tất yếu. Tòa án điện tử bao gồm rất nhiều yếu tố, từ hồ sơ điện tử, xét xử điện tử và đều sử dụng công nghệ, phương tiện hỗ trợ.
Tòa án điện tử, trong đó có xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu của lịch sử phát triển. Vì là tất yếu nên dù muốn hay không thì Việt Nam cũng phải áp dụng vì nó là văn minh của nhân loại.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của Việt Nam, chỉ nên giới hạn ở một số vụ việc và mang tính chất xét xử thí điểm, vừa xử vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện.
“Còn quan điểm của tôi, quan trọng nhất vẫn là khả năng nhận thức, khả năng thích ứng của người dân, người tham gia tố tụng đối với việc xét xử trực tuyến. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giải quyết vụ việc” – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang phát biểu.
Nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Nói đến xét xử trực tuyến thì cần phải thêm một chủ thể tham gia vào hoạt động xét xử, đó chính là bộ phận quản lý điều hành, kết nối các thiết bị điện tử, bộ phận này cực kỳ quan trọng và cần phải quy định trong luật.
“Và nếu trực tuyến thì cơ quan báo chí cũng cần được tiếp cận vụ án trên không gian mạng; nói cách khác là cơ quan báo chí cũng cần được cấp đường link để theo dõi phiên tòa trực tuyến này. Như vậy mới đảm bảo tính kịp thời và tính công khai minh bạch. Trong khi đó, cơ quan báo chí có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu bảo mật”, Luật sư Thạnh nói.
Phiên tòa trực tuyến sẽ áp dụng từ năm 2022
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, áp dụng từ 1/1/2022 với 94% đại biểu tán thành mở phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu chứng cứ rõ ràng.
Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ không được tổ chức trong các trường hợp sau: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan bí mật nhà nước; án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.