Nắng xanh trên vùng đất lửa
Mấy năm gần đây, việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió ven biển ngày càng phát triển mạnh mẽ; trở thành một phong trào diễn ra tại không ít địa phương. Các dự án này góp phần nâng cao công suất phát điện toàn quốc, đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt đang tăng cao của người dân và doanh nghiệp. Song, thực tế cũng bộc lộ bất cập cần nhận diện, khắc phục để bảo đảm phát triển bền vững.
Cuối thu, khi dịch Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn lên đường về Khe Sanh – Hướng Hóa để dự lễ khánh thành một số công trình điện và được thăm quan những dự án ven biển. Dù đã đến Quảng Trị nhiều lần nhưng lần trở lại này, chúng tôi nhận thấy một Quảng Trị rất khác.
Nằm trên quốc lộ 9 nối từ thành phố Đông Hà cắt đường mòn Hồ Chí Minh tới cửa khẩu Lao Bảo – nơi giao thoa giữa biên giới Việt Nam – Lào, Hướng Hóa - địa danh đã quá nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hàng rào điện tử McNamara mà phía Mỹ lúc bấy giờ luôn tự hào rằng, đến con chuột cũng không thể lọt qua. Cùng với Thành cổ Quảng Trị, vùng đất này được ví như một chảo lửa bởi những trận chiến khốc liệt, cuộc chiến đã cướp đi hàng vạn sinh mạng của cả hai bên. Và đâu đó, trong những mảnh đất rừng đồi núi kia vẫn còn thân thể của những liệt sỹ chưa được tìm thấy. Chứng tích chiến tranh còn lại là những nghĩa trang rộng lớn dọc bên đường hay ở một góc ngã ba nào đó là những tấm bia/tượng dựng lên để những người trẻ sau này không quên về những năm tháng hào hùng đầy máu và nước mắt để giành lại độc lập dân tộc, đưa giang sơn về một mối.
Nắng và gió trên vùng đất "rực lửa" một thời vẫn vậy, khác chăng là đất và cuộc sống của người dân nơi đây, giờ đã hồi sinh trở lại. Quá khứ dường như đã khép lại và những vết thương cũng đã tạm lành sau năm tháng. Những cánh rừng đang vươn mình lớn dậy; đồi ngô, nương sắn đã xanh hơn; dù cuộc sống của người dân vẫn còn vất vả nhưng diện mạo nông thôn, đô thị đã có thay đổi lớn. Đến thời điểm này, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có chuyển biến đáng kể với thu nhập bình quân/ người đạt 55,4 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường…
Dẫu vậy, nhưng trên bình diện chung Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo so với các địa phương ở phía Bắc Trung Bộ. Lý do thì nhiều nhưng tựu chung vẫn là thời tiết khắc nghiệt, đất đai cho canh tác không nhiều… Tuy nhiên, chính cái khắc nghiệt ấy, cụ thể là nắng và gió lại đang được xem như "đặc sản mới", cơ hội của nền kinh tế xanh. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã xác định năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời là 1 trong 3 trụ cột tạo đột phá phát triển kinh tế địa phương đến năm 2030.
Chẳng phải quá tự tin nhưng có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, Quảng Trị sẽ khác khi hàng chục dự án điện sạch, công suất lên tới hàng nghìn MW đi vào vận hành ổn định. Nguồn thu ngân sách tăng lên, kéo théo những lợi ích xã hội được cải thiện. Đồng thời, mở ra cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế dịch vụ, nông nghiệp xanh, du lịch, thương mại... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tự tin hội nhập cùng đất nước.
Nếu ở phía Tây, Quảng Trị tập trung phát triển những cánh đồng điện gió thì ở phía Đông, địa phương định hướng phát triển điện mặt trời. Đến thời điểm này đã có gần chục dự án điện gió đi vào vận hành thương mại với tổng công suất đạt gần 700MW; 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5MWp đã hoàn thành phát điện thương mại. Ngoài ra, còn hàng chục dự án năng lượng đang trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với công suất trên 1 nghìn MW.
Diện mạo nông thôn đã có thay đổi lớn |
Không chỉ điện gió và mặt trời, Quảng Trị cũng đang bắt đầu khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn với những nhà đầu tư tên tuổi như Tập đoàn T&T, BB Group… Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027.
Để giải quyết bài toán truyền tải công suất, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình điện, như: Trạm biến áp (TBA) 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; Dự án nâng cấp đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo… Hạ tầng này đủ để giải quyết những điểm nghẽn về truyền tải năng lượng trong hiện tại và tương lai.
Với các dự án năng lượng đang và sẽ triển khai thực hiện, Quảng Trị đang dần trở thành "điểm tập trung" nhiều dự án quy mô lớn về năng lượng với hạ tầng ngày càng hoàn thiện cùng với lợi thế đang được phát huy sẽ là "đòn bẩy" để địa phương này sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025.
Một mùa Xuân nữa lại về trên vùng đất đỏ lửa một thời, nay đang chuyển mình từng ngày để vươn vai đứng dậy, tự tin vững bước trên hành trình mới đầy hy vọng và hiện thực hóa "giấc mơ Xanh".