Toàn cầu vật lộn với giá thực phẩm tăng vọt
Theo Công ty Tư vấn tài chính Capital Economics (Mỹ), từ đầu năm đến nay, giá lương thực đã tăng gần 14% ở những nền kinh tế mới nổi và hơn 7% ở những nước có kinh tế phát triển.
Đối mặt chi phí nguyên liệu gia tăng do lạm phát, các cơ sở kinh doanh ăn uống buộc phải tăng giá, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn cho một loại thực phẩm có chất lượng tương đương hoặc kém hơn trước.
Theo AP, ở những quốc gia mà người dân phải dùng ít nhất 1/3 thu nhập để mua thực phẩm thì bất kỳ sự tăng giá mạnh nào cũng có thể gây ra khủng hoảng. Capital Economics dự báo trong năm nay và năm tới, các hộ gia đình ở những nền kinh tế phát triển có thể phải chi thêm 7 tỉ USD mỗi tháng cho thực phẩm và đồ uống do lạm phát tăng vọt.
Theo một báo cáo toàn cầu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và 4 cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, khoảng 2,3 tỉ người thiếu ăn từ mức trung bình đến nghiêm trọng vào năm ngoái.
Chủ gian hàng chờ khách tại khu mua sắm Ameyoko ở Tokyo - Nhật Bản hồi cuối tháng 6 Ảnh: REUTERS
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với Sudan, nơi lạm phát dự kiến lên đến 245% trong năm nay và Iran, nơi giá thịt gà, trứng và sữa tăng vọt 300% trong tháng 5 dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình.
Việc các nước đang hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa và ngăn chặn lạm phát là một trong những lý do đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân liên quan đến hạn hán, chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng và phân bón tăng cao. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến giá lúa mì và dầu ăn vọt lên, gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cuối tuần qua, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã ký thỏa thuận về việc bảo đảm hành lang an toàn cho các chuyến hàng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng ở biển Đen. Tuy nhiên, các cảng này đã bị chặn xuất khẩu những mặt hàng chủ chốt trong nhiều tháng và sẽ cần thời gian để xuất sang các nước bị ảnh hưởng.
Sắp tới, có thể sẽ có nhiều quốc gia hơn nữa áp dụng lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm, bất chấp giới phân tích cho rằng cách làm này thiển cận vì gây hiệu ứng domino làm tăng giá. Khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ trong một tháng vào tháng 4 năm nay, giá dầu cọ đã tăng ít nhất 200%.