Người dân dồn dập mua ô tô ‘chạy’ phí trước bạ, nhiều xe ‘cháy’ hàng, tăng giá
Nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước đã tăng giá trong tháng 5, ở thời điểm thời hạn giảm 50% phí trước bạ chỉ còn tính bằng ngày.
Chốt mua một chiếc Honda City bản RS tại Hà Nội trong tháng này để được hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ dành cho xe lắp ráp, anh Trịnh Duy (Hoài Đức, Hà Nội) đã buộc phải thay đổi ý định vì thị trường đang quá "loạn lạc".
"Mới hôm trước, sale còn báo xe được giảm giá 10 triệu tiền mặt, tặng 25 triệu phụ kiện. Đến nay gọi lại thì phụ kiện đã ‘bay mất’, chỉ còn được giảm giá 10 triệu. Sale còn ‘doạ’ mình nên chốt nhanh, nếu không có thể không còn giảm giá, thậm chí không còn xe để bán trong tháng 5. Do không quá vội nhận xe nên mình quyết định dừng không mua trong đợt này nữa", anh Duy chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, sale của một đại lý Honda ở Hà Nội thừa nhận, lượng người hỏi mua 2 mẫu xe lắp ráp chủ lực của Honda là City và CR-V đã tăng đột biến từ cuối tháng 4 đến nay. Trong khi đó, nguồn cung không phải quá dồi dào.
Honda City đã cắt giảm các chương trình ưu đãi so với trước đây.
Việc khách dồn dập mua xe "chạy" thuế trước bạ được xem là nguyên nhân chính khiến một số mẫu xe lắp ráp đang có dấu hiệu tăng giá. Vào thời điểm tháng 2-3, khách mua Honda City được giảm giá 20-40 triệu đồng, tặng kèm phụ kiện trị giá khoảng 30 triệu đồng. Hiện tại, khách mua xe chỉ còn được tặng phụ kiện trị giá 25-30 triệu đồng, hoặc trừ 5-10 triệu đồng tiền mặt.
Honda CR-V thời điểm tháng 3 được giảm giá 80-120 triệu, kèm gói phụ kiện trị giá 65-80 triệu đồng nhưng hiện tại, khách mua chỉ được giảm giá khoảng 30-40 triệu đồng (chưa kèm phụ kiện).
Một số thương hiệu khác như Toyota cũng đã tiến hành tăng giá hàng loạt mẫu xe lắp ráp, chẳng hạn Vios, Innova tăng 5 triệu đồng, Fortuner tăng 20-50 triệu đồng.
Thương hiệu xe sang Mercedes-Benz không đứng ngoài "cuộc chơi" tăng giá xe khi tăng giá mẫu GLC lắp ráp ở mức 30-70 triệu đồng.
Đó là nhóm mua xe chịu cảnh tăng giá. Thị trường hiện vẫn còn một nhóm khác – những người không thể mua xe để kịp "chạy" ưu đãi phí trước bạ. Theo các sale, khách đặt mua Hyundai Santa Fe hay Tucson, dù phải chịu khoản chênh lên đến 60-100 triệu thời điểm hiện tại sẽ phải đợi ít nhất một tháng nữa mới có thể nhận xe. Thậm chí, nếu đăng ký mua một số mẫu SUV đô thị của Kia như Seltos hay Sonet, khách hàng còn chưa biết khi nào có thể nhận xe. Hiện có không ít khách cọc mua xe đã được 1-2 tháng nhưng vẫn chưa thể nhận xe.
Nếu đặt mua Santa Fe, khách hàng nhiều khả năng không kịp nhận xe trước thời điểm 31/5.
Trong khi đó, thời hạn xe lắp ráp trong nước nhận ưu đãi 50% phí trước bạ (5-6% giá trị xe, tuỳ địa phương) sẽ kết thúc vào ngày 31/5.
Không ít người đang chọn phương án "quay xe" như trường hợp của anh Trịnh Duy. "Thực tế, người mua chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều khi mua xe trong giai đoạn này. Họ được giảm 50% phí trước bạ nhưng bị cắt bớt ưu đãi, sản phẩm tăng giá. Đó là chưa kể đến việc nguồn hàng không dồi dào, dẫn đến việc không chọn được màu sắc hoặc phiên bản ưng ý, thậm chí không chọn đúng mẫu xe ưng ý", ông Ngọc Tuấn – chuyên gia trong lĩnh vực ô tô nhận định.
Theo ông Tuấn, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục có những điều chỉnh sau giai đoạn này. "Khi cơn sốt thuế trước bạ qua đi, thị trường có thể bước vào giai đoạn thấp điểm về nhu cầu mua xe. Trong khi đó, các vấn đề về nguồn cung sẽ được giải quyết tốt hơn. Khi đó, nhiều khả năng hãng xe, đại lý lại tung ra các chương trình ưu đãi lớn để ‘kích cầu’ người mua. Như vậy, người mua sau chưa chắc đã chịu thiệt thòi nhiều so với người mua xe trong giai đoạn được giảm phí trước bạ hiện nay".