Hàng Việt tạo dấu ấn tại Hội chợ Korea Import Fair Hàn Quốc
Tại Hội chợ Korea Import Fair 2025 ở Seoul, doanh nghiệp Việt đã gây ấn tượng mạnh, mở ra cơ hội thâm nhập chuỗi bán lẻ lớn như Walmart, Costco tại Hàn Quốc.
“Ngôi nhà chung Việt Nam” - không gian mang đậm bản sắc
Từ ngày 7-9/7/2025, tại Trung tâm COEX, Seoul (Hàn Quốc), Hội chợ Korea Import Fair (KIF) 2025 đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) dẫn đầu đã ghi dấu ấn đặc biệt, đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào chuỗi phân phối của thị trường Hàn Quốc - một trong những thị trường tiêu dùng khó tính và có tính sàng lọc cao nhất châu Á.
Gian hàng của Việt Nam tại Hall B, COEX thu hút khách tham quan và hệ thống phân phối lớn Hàn Quốc. Ảnh: Trần Quỳnh
Gian hàng của Việt Nam tại Hall B, COEX, mang tên “Ngôi nhà chung Việt Nam” được thiết kế nổi bật với tông màu xanh chủ đạo, mang đậm dấu ấn bản địa. Gian trưng bày không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn truyền tải thông điệp về sự thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và xu hướng plant-based - những tiêu chí đang được người tiêu dùng Hàn Quốc đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý, 11 doanh nghiệp Việt Nam tham dự đều là những đại diện tiêu biểu cho làn sóng đổi mới của hàng Việt, chú trọng vào chất lượng, nguồn gốc minh bạch, bảo vệ môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm được giới thiệu tại hội chợ đa dạng từ thực phẩm, đồ uống, đặc sản địa phương, sản phẩm tự nhiên đến hàng tiêu dùng nhanh.
Lần thứ hai trong vòng hơn một tháng tham gia chuỗi hội chợ quốc tế lớn, Công ty TNHH Tân Nhiên tiếp tục gây chú ý với loạt sản phẩm truyền thống như bánh tráng, muối Tây Ninh và đặc biệt là bánh tráng không nhúng nước - một sáng tạo mới phù hợp với lối sống hiện đại.
Gian hàng doanh nghiệp Việt Nam thu hút khách Hàn Quốc. Ảnh: Trần Quỳnh
“Khách hàng Hàn Quốc tỏ ra bất ngờ và thích thú khi biết bánh tráng không cần nhúng nước vẫn có thể dùng ngay. Đây là sản phẩm vừa tiện lợi, vừa giữ nguyên nét truyền thống của Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tân Nhiên - cho biết. Ông cũng nhấn mạnh, các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận ISO 22000 và FSSC 22000, hai tiêu chuẩn chất lượng quan trọng trong xuất khẩu thực phẩm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bánh hạnh nhân Tiến Anh (An Giang) cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng Hàn Quốc. Theo ông Trần Lê Hùng, Giám đốc công ty, khách tham quan đặc biệt quan tâm đến thông tin ghi trên bao bì sản phẩm như thành phần, dinh dưỡng...
Khách hàng Hàn Quốc tham quan mua sắm tại gian hàng "Ngôi nhà chung Việt Nam”. Ảnh: Trần Quỳnh
“Khách hỏi rất kỹ, thậm chí có đối tác ngỏ ý nhập khẩu với số lượng lớn nhưng yêu cầu giá phải phù hợp, có tính cạnh tranh”, ông Hùng chia sẻ.
Công ty TNHH Datafa mang đến hội chợ các sản phẩm từ thiên nhiên như yến, nước nha đam, cà phê và chanh dây. Ông Phạm Thành Danh, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ: "Khách hàng Hàn Quốc ưu tiên những sản phẩm lành mạnh, tự nhiên nên chúng tôi rất tự tin với dòng sản phẩm hiện có. Nhiều khách đã xin thông tin và hẹn gặp lại tại Việt Nam để bàn việc hợp tác lâu dài”.
Tín hiệu tích cực từ hệ thống phân phối quốc tế
Không chỉ dừng ở việc trưng bày, bán hàng, đoàn doanh nghiệp Việt còn có cơ hội tiếp xúc với đại diện nhiều hệ thống phân phối lớn. Một số doanh nghiệp đã có buổi làm việc với ông Park Dae Keun, Phó Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn, đối tác của các chuỗi bán lẻ toàn cầu như Walmart, Costco.
Khu vực kết nối B2B tại hội chợ diễn ra rất sôi động, thu hút hàng loạt cuộc gặp trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các buyer quốc tế. Ảnh: Trần Quỳnh
Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng đoàn Việt Nam, hội chợ là cơ hội rất tốt để hàng Việt có thể thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi phân phối lớn, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Việc tham gia hội chợ không đơn thuần là quảng bá, mà còn là bước đi chiến lược trong việc xây dựng mạng lưới phân phối bền vững.
Khu vực kết nối B2B tại hội chợ diễn ra rất sôi động, thu hút hàng loạt cuộc gặp trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các buyer quốc tế. Nhiều gian hàng thậm chí “cháy” hàng mẫu ngay trong ngày đầu tiên vì lượng khách đến trải nghiệm và đặt thử quá đông.
Đại diện Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đến thăm, trò chuyện và động viên các doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành và trách nhiệm trong hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Ảnh: Trần Quỳnh
Ngoài những tên tuổi như Tân Nhiên, Tiến Anh hay Datafa, các doanh nghiệp như Tây Cát, Con Tôm Rừng, Anh Kim, Jamy Green, Eherbal... cũng nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố bền vững, đóng gói bắt mắt và câu chuyện thương hiệu rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp trong đoàn bày tỏ sự tin tưởng rằng đây sẽ là bước đệm quan trọng, đưa hàng Việt từ “tốt trong nước” đến “chuẩn quốc tế” và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Không chỉ mang lại cơ hội xuất khẩu, KIF 2025 còn là dịp để doanh nghiệp Việt học hỏi cách tổ chức hội chợ chuyên nghiệp của Hàn Quốc, từ trưng bày sản phẩm, tiếp cận khách hàng đến xây dựng hệ thống phân phối và kiểm soát chất lượng. Đây là những kinh nghiệm vô giá giúp hàng Việt tiếp tục hoàn thiện mình và chinh phục thị trường quốc tế.
Tại hội chợ KIF 2025, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Hiệp hội Nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), mở ra cơ hội mới để hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối Hàn Quốc. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội - cho biết, việc ký kết này thể hiện sự ghi nhận của đối tác quốc tế với năng lực doanh nghiệp Việt, đồng thời là nền tảng để xây dựng quan hệ dài hạn và chuyên nghiệp. “Không chỉ bán hàng, doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa, cập nhật xu hướng và học hỏi cách làm quốc tế. Đó mới là con đường bền vững”, bà Kim Hạnh nhấn mạnh.